[vccitranslate]

Thêm 23 doanh nghiệp trở thành Hội viên VCCI-HCM

Sáng ngày 18/01, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI-HCM) đã tổ chức Lễ Kết nạp Hội viên và Giới thiệu Chương trình hỗ trợ Hội viên năm 2024. Buổi lễ đã công bố quyết định kết nạp hội viên cho 23 doanh nghiệp, trong đó có 13 công ty TNHH và 10 công ty CP.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm đã bày tỏ niềm hân hoan và gửi lời chúc mừng đến 23 doanh nghiệp đã chính thức trở thành thành viên của mái nhà chung VCCI-HCM. Ông Liêm cho biết sự kiện hôm nay còn là dịp để VCCI-HCM cùng các hội viên nhìn là tổng kết các hoạt động nổi bật trong năm 2023 và kế hoạch hoạt động trong năm 2024.

them-23-doanh-nghiep-tro-thanh-hoi-vien-vcci-hcm

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM phát biểu khai mạc buổi lễ.

Đại diện Phòng Hội viên Đào tạo, ông Nguyễn Đoàn Thông – Trưởng phòng đã đọc quyết định kết nạp và danh sách kết nạp đợt 1 năm 2024. Đại diện Ban Lãnh đạo VCCI và VCCI-HCM đã lên trao quyết định và chụp hình lưu niệm cùng các hội viên.

them-23-doanh-nghiep-tro-thanh-hoi-vien-vcci-hcm

them-23-doanh-nghiep-tro-thanh-hoi-vien-vcci-hcm

Đại diện Ban Lãnh đạo VCCI, Phó Chủ tịch Võ Tân Thành đã tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của VCCI. Năm 2023 là năm kỷ niệm 60 ngày thành lập tổ chức, với sự phát triển đặc biệt từ khi Phòng Thương mại tách ra khỏi Bộ Ngoại thương vào năm 1992. Từ năm 1993 đến nay, VCCI bước sang giai đoạn mới, phát triển rất mạnh mẽ, với trụ sở chính tại Hà Nội và 9 chi nhánh, văn phòng đại diện ở các thành phố và khu vực lớn trong cả nước.

them-23-doanh-nghiep-tro-thanh-hoi-vien-vcci-hcm

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Lễ kết nạp hội viên mới.

Sau Đại hội VCCI lần thứ VII, VCCI xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 mục tiêu đột phá. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là cải thiện môi trường kinh doanh, đóng vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ. VCCI đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Ngoài ra, 5 nhiệm vụ khác bao gồm: nâng cao hiệu quả sử dụng doanh nghiệp, tăng cường kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, hỗ trợ mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, và nâng cao năng lực tổ chức và đội ngũ cán bộ. Trong đó, VCCI-HCM cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên 6 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra.

Năm 2023, Việt Nam đang trải qua sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt sau những biến động mạnh mẽ do dịch Covid-19 và cũng chịu tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và xung đột Israel – Hamas. Lạm phát tuy giảm từ 9,2% xuống còn 5,9%, nhưng nhiều quốc gia vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao. Thị trường toàn cầu đối mặt với giảm thương mại, tiêu dùng và đầu tư, cùng với việc gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại.

Mặc dù phải đối mặt với những thách thức này, nhưng nỗ lực của Việt Nam đã làm cho nền kinh tế phát triển tương đối tốt. Với mức tăng trưởng GDP đạt 5,05%, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 sụt giảm, đạt 683 tỷ USD, nhưng xuất siêu tăng, đạt 28 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục duy trì sự kiểm soát tốt về lạm phát, với CPI tháng 12/2023 tăng 3,58%, bình quân năm 2023 CPI tăng 3,25% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đăng ký đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1%. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với hơn 5,85 tỷ USD.

Du lịch Việt Nam là ngành có tốc độ phục hồi rất mạnh. Kế hoạch đầu năm đón 8 triệu lượt khách quốc tế nhưng cả năm đã vượt xa kế hoạch khi đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là điểm sáng, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 53 tỷ USD và thặng dư thương mại đạt trên 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70%, gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn, cộng đồng doanh nhân vẫn tích cực kinh doanh, thể hiện qua việc số doanh nghiệp mới đạt kỷ lục 159.294, tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng, đạt 58.412 nghìn, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

them-23-doanh-nghiep-tro-thanh-hoi-vien-vcci-hcm

Theo các tổ chức quốc tế uy tín, dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống khoảng 2,7%, chậm lại so với năm 2023. Năm 2023 là một năm thắng lợi rực rỡ của ngoại giao Việt Nam, đã mở ra những không gian phát triển mới trên thế giới. Đó là, quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã được nâng lên đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ với Trung Quốc được thắt chặt qua những chuyến thăm của cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc. Chính phủ trong năm nay đặt mục tiêu tăng đầu tư công, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng, được coi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, năm 2024, tình hình kinh tế và chính trị thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phức tạp và khó lường. Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến dự báo rằng kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong 2 quý đầu năm 2024 và có khả năng khởi sắc vào 6 tháng cuối năm.

Trong năm 2024, ngành du lịch của Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế. Phó Chủ tịch VCCI cũng tin rằng, trong bối cảnh khó khăn và thách thức, doanh nghiệp sẽ có những chuyển đổi, sáng tạo, và tái cơ cấu để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2024, Phó Giám đốc VCCI-HCM Nguyễn Hữu Nam cho biết VCCI-HCM sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, gia tăng đơn hàng, phục hồi sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Một số hoạt động nổi bật Chi nhánh dự kiến triển khai như: Chuỗi triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may, dụng cụ cầm tay, thiết bị gia dụng, sản phẩm gỗ & thủ công mỹ nghệ 2024; Khảo sát và công bố DDCI Đồng Nai; Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về Thuế, Hải quan, Xuất nhập khẩu; Báo cáo liên kết hạ tầng Logistics khu vực Đông Nam Bộ; Chương trình Giám đốc điều hành doanh nghiệp 2024; Chuỗi phát triển kỹ năng cho Ngành nuôi biển công nghiệp và chuyển giao lồng ghép cho hệ thống đào tạo tại Việt Nam; Chuỗi hoạt động về Phát triển bền vững cho doanh nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển kinh tế phát thải thấp, chuyển dịch năng lượng, kinh tế tuần hoàn; Phát hành ấn phẩm Danh bạ Hội viên và Cẩm nang Xuất nhập khẩu,…

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM chia sẻ về kế hoạch năm 2024 của VCCI-HCM.

Đại diện các doanh nghiệp hội viên tham dự Lễ kết nạp đã phát biểu bày tỏ sự phấn khởi khi chính thức trở thành hội viên của VCCI-HCM và kì vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ VCCI-HCM trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp cũng đã dành thời gian để giới thiệu về doanh nghiệp mình và mong muốn có sự hợp tác, kết nối kinh doanh với các hội viên trong hệ thống VCCI. Đặc biệt tại lễ kết nạp hội viên đợt này, nhiều hội viên đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác, khách hàng tiềm năng bằng việc chia sẻ trực tiếp và gửi tặng các sản phẩm của công ty mình cho các doanh nghiệp hội viên.

them-23-doanh-nghiep-tro-thanh-hoi-vien-vcci-hcm

Các doanh nghiệp nhận Giấy chứng nhận hội viên.

  • Sự kiện
  • Đào tạo