[vccitranslate]

Thẳng thắn, cởi mở trong đối thoại chính sách thuế, hải quan

Sáng 30/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong không khí thẳng thắn, cởi mở, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế hải quan đã được tổ chức thành công với sự tham dự của đại diện hơn 500 DN ở khu vực phía Nam. 22 câu hỏi đến từ 17 Doanh nghiệp doanh nghiệp liên quan đến chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan đã được Chủ tọa Hội nghị cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trực tiếp giải đáp, làm rõ.

Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan là hội nghị thường niên do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ngay sau Hội nghị tại Hà Nội (ngày 27/11), Hội nghị được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh lần này với mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và Bộ Tài chính về chính sách và thủ tục hành chính thuế – hải quan diễn ra tại TP. HCM vừa qua.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về tình hình kinh tế xã hội năm 2018 cùng những kết quả nổi bật, theo đó: GDP trong 03 quý đầu năm 2018 tăng trưởng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%), bình quân 3 năm 2016 – 2018 tăng 6,57%; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2018 đạt 396,85 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 202,03 tỷ USD, tăng 15,2% và tiếp tục xuất siêu, lũy kế 10 tháng đạt 7,21 tỷ USD với cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; công tác thu NSNN ước cả năm vượt 3% dự toán, cơ cấu thu bền vững hơn, tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm, thu nội địa tăng (chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN); Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và Việt Nam…

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, những kết quả tích cực đó có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nỗ lực và quyết tâm cao để hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp về những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội kể trên cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước nói riêng.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu tại Hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp sáng ngày 30/11 tại TP. HCM.

Thứ trưởng cho biết: thực tế đòi hỏi các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sôi động, đa dạng thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc. “Bộ Tài chính, các Tổng cục thuộc Bộ luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã cập nhật thông tin về tình hình cải cách thủ tục hành chính thuế và các chính sách thuế mới; những nội dung mới của chính sách pháp luật hải quan đã được ban hành trong năm 2018.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo tại Hội nghị về tình hình cải cách thủ tục Thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cập nhật những nội dung mới
của chính sách pháp luật hải quan đã được ban hành trong năm 2018.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các doanh nghiệp dành sự quan tâm đến các chính sách ưu đãi về thuế; Thuế nhập khẩu hàng hóa; Hóa đơn điện tử; …..

Đại diện VCCI, ông Võ Tân Thành cho rằng thông qua các Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, hải quan đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, điều đó thể hiện thông qua các cuộc đối thoại chính sách ngày càng cởi mở, thẳng thắn và ít căng thẳng hơn.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Hội nghị.

Khẳng định mức độ hài lòng của doanh nghiệp với các thủ tục thuế, hải quan ngày càng tăng lên (Theo báo cáo khảo sát của VCCI năm 2017), ông Võ Tân Thành cũng cho rằng Hội nghị đối thoại thể hiện tinh thần cầu thị và cộng đồng trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Tài chính với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thể hiện quyết tâm cải cách, hiện đại hóa hoạt động của ngành trên cơ sở lắng nghe, trao đổi và giải quyết các vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp với ngành thuế và hải quan.

VCCI, Bộ Tài chính thường xuyên tập hợp và ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và các doanh nghiệp nên chủ động có ý kiến phản ánh nếu thấy không phù hợp khi thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan, tránh để vướng mắc khó khăn kéo dài gây ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp và quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế và hải quan. Ông Võ Tân Thành cho biết thêm.

Nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn tại

Tại hội nghị, ngoài việc giới thiệu các chính sách mới của ngành Thuế và Hải quan được ban hành từ tháng 10/2017 đến nay, Ban tổ chức dành phần lớn thời gian đối thoại để giải đáp ngay các vướng mắc về chính sách thuế và hải quan nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, các doanh nghiệp cần lưu ý hơn về tuân thủ chính sách thuế, tránh mắc phải sai phạm, bị truy thu, xử phạt về thuế, bởi qua công tác thanh tra thuế thời gian gần đây, cơ quan thuế phát hiện một số doanh nghiệp kê khai thuế sai, chưa tuân thủ các quy định về chính sách thuế, thời gian kê khai nộp thuế, dẫn đến việc bị truy thu thuế, bị xử phạt…

Trong phần đối thoại, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cùng với lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến chính sách thuế và hải quan cho doanh nghiệp. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: Xuất hóa đơn đối với hàng hóa biếu tặng, ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư, ưu đãi thuế dịch vụ, sản xuất; thu nhập chịu thuế; áp thuế nhập khẩu theo C/O; hoàn thuế giá trị gia tăng; dự phòng và trích dự phòng, cơ quan để doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện các quy định về thuế và hải quan, sự không thống nhất trong cách hiểu và phối hợp giải quyết sự vụ giữa các cơ quan thuế và hải quan khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Ông Trần Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, đánh giá từ khi có Chỉ thị 20 của Chính phủ chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, về cơ bản, cơ quan thuế địa phương và bộ, ngành đã thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bức xúc với công tác của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Ông Phương dẫn chứng: “Công ty tôi đã cổ phần hóa (CPH) từ 2006, nay đã là công ty đại chúng 100% vốn tư nhân. Suốt 10 năm sau khi CPH, KTNN không đặt vấn đề đối chiếu thuế nhưng liên tục 3 năm gần đây đều thực hiện đối chiếu số liệu với cơ quan thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có nội dung phía thanh tra đã kết luận rồi nhưng KTNN vẫn làm, nhiều nội dung kiểm toán năm trước làm rồi nhưng năm sau lại làm tiếp”.

Cũng theo phản ánh của ông Phương, hiện KTNN đang kiểm toán chuyên đề vấn đề đất đai của doanh nghiệp CPH. Tuy nhiên, Đường Quảng Ngãi đã CPH được gần 13 năm nên một số hồ sơ, chứng từ đã hủy sau 5-10 năm theo Luật Kế toán, nhiều lãnh đạo đã nghỉ hưu. “Nếu kiểm toán từ 2006 thì chúng tôi không biết chứng minh thế nào” – ông nói và kiến nghị chỉ nên kiểm toán với những doanh nghiệp CPH gần đây.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về những “phiền hà” trong công tác kiểm toán. Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan thuế về cơ bản thực hiện đúng Chỉ thị 20 của Thủ tướng về chấn chỉnh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Trong đó, nguyên tắc là ưu tiên kế hoạch của Thanh tra Chính phủ (TTCP), KTNN theo hướng nếu các cơ quan này đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì cơ quan thuế sẽ không thực hiện kế hoạch khác. “Đối với việc thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), chúng tôi đã đề xuất nội dung quy định phối hợp với các cơ quan liên quan như TTCP, KTNN” – ông Cao Anh Tuấn nói thêm.

Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương nêu tình huống doanh nghiệp bị truy thu phần thuế xuất khẩu tại chỗ đã được miễn, hoàn trước đây và kiến nghị không truy thu đối với những tờ khai hoàn thuế đã được thực hiện. Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải đóng thuế đến hàng trăm tỉ đồng và bị ảnh hưởng lớn bởi đã ký hợp đồng với khách hàng nên không thể tăng giá.

Giải thích việc truy thu này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng luật để hưởng lợi. Do đó, cơ quan quản lý đã rà soát các quy định pháp luật liên quan và sắp tới sẽ sửa đổi Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế Xuất nhập khẩu theo hướng dẫn rõ xuất khẩu tại chỗ cũng là hình thức xuất khẩu.

Ông Trần Minh Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết bị Mê Kông, kể công ty ông nhập máy kéo dùng trong nông nghiệp, theo quy định là không xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, chi cục hải quan yêu cầu doanh nghiệp tạm nộp thuế GTGT. “Thực chất trước giờ vẫn áp dụng 0% nhưng “thà bắn nhầm hơn bỏ sót”, “cứ thu đã”. Chúng tôi “chạy” rất mệt nhọc để có giấy xác định đây là máy cày dùng trong nông nghiệp thì mới được cho thông quan” – ông Trí giãi bày.

Chưa hết, với lô hàng nhập 15 máy cày dùng cho nông nghiệp, công ty này chỉ được thông quan 11 chiếc, còn 4 chiếc bị ách lại do không bảo đảm quy định. Cơ quan thuế cũng không tịch thu 4 chiếc này với lý do “chưa có chỗ để đem máy về”. Việc này dẫn đến chưa hoàn thiện được hồ sơ để sớm hoàn lại tiền cho doanh nghiệp.

Vướng mắc của Công ty TNHH MTV Thiết bị Mê Kông đã được Cục Hải quan TP. HCM ghi nhận và bố trí làm việc để trực tiếp tháo gỡ ngay trong chiều cùng ngày.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM Nguyễn Hữu Nghiệp chỉ đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 giải quyết dứt điểm việc áp hàng vi phạm về kho tang vật và hoàn thuế nhập khẩu theo quy định cho doanh nghiệp. Về phía cục sẽ có văn bản gửi Tổng cục Hải quan báo cáo vướng mắc đối với mặt hàng máy kéo dùng trong nông nghiệp, đề xuất căn cứ trên cam kết của doanh nghiệp về mục đích sử dụng máy kéo nông nghiệp để có chính sách phù hợp.

Các doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Phát biểu bế mạc Hội nghị đối thoại, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan luôn quan tâm và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp và xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.

Với 22 Câu hỏi đến từ 17 Doanh nghiệp đã được giải đáp, Thứ trưởng cũng cho biết nếu còn có vấn đề chưa được rõ, các doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc từ các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời.

Đại diện Bộ Tài chính, cơ quan Thuế, Hải quan và VCCI tại Hội nghị.

“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước”. Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Thứ trưởng cũng cho rằng, cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để tự đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh để phát triển. Bên cạnh đó cần tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy thách thức như hiện nay.

Tổng hợp từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài Chính, Thời báo Tài chính Việt Nam, VCCI.

  • Sự kiện
  • Đào tạo