Tăng lương tối thiểu không nên làm đại trà
- 06/08/2017
Để nền kinh tế phát triển lành mạnh, việc tối quan trọng là tăng năng suất lao động, nhưng trước mắt cần tăng thu nhập (lương) cho người lao động ít nhất bằng với mức lạm phát.
Tại sao cần tăng lương?
Số liệu từ bảng I/O mới nhất của Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập từ sản xuất trong giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% tiêu dùng cuối cùng. Về nguyên tắc, thu nhập từ sản xuất bao gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), kinh phí công đoàn (34% tổng quỹ lương thực lĩnh). BHXH, BHTN, BHYT đã được người lao động và người về hưu sử dụng (tiêu dùng), nếu loại trừ kinh phí công đoàn thì thu nhập từ sản xuất chỉ còn 92% tiêu dùng cuối cùng.
Để có thể tiêu dùng và một phần để dành (savings), người dân cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất, từ sở hữu và chuyển nhượng từ các khu vực thể chế khác để bù đắp cho khoảng thiếu hụt đó. Trong giai đoạn trước, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Như vậy, có thể thấy về tổng thể đa số người lao động Việt Nam làm còn chưa đủ chi tiêu dùng cuối cùng, để dành của khu vực hộ gia đình cơ bản đến từ chuyển nhượng từ các khu vực thể chế khác (kiều hối là một phần trong đó). Cơ hội có được thu nhập từ ngoài sản xuất của hầu hết người lao động là không nhiều, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp năm 2010 là 9,2 lần, năm 2012 là 9,4 lần và 2014 là 9,7 lần.
Nếu không tăng lương, đa số người lao động sẽ rất khó khăn, trong khi tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập, việc giảm sút tiêu dùng có thể dẫn đến sự giảm sút về tăng trưởng GDP.
Nhưng tăng lương cũng có nhiều mặt trái
Phân tích theo các nhân tố cấu thành giá trị gia tăng theo giá cơ bản, bao gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thặng dư sản xuất thuần (không bao gồm khấu hao tài sản cố định), cho thấy tỷ lệ thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần tăng nhanh từ 63% năm 2000 lên 67% năm 2007 và giai đoạn hiện nay vào khoảng trên 80%. Điều này có nghĩa là nếu như năm 2000 có 1 đồng giá trị gia tăng sẽ có 0,37 đồng thặng dư thì đến giai đoạn hiện nay, có 1 đồng giá trị gia tăng chỉ còn 0,2 đồng thăng dư.
Việc tăng lương không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi. Nói cách khác, tăng lương không dựa vào tăng năng suất sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau, khi thặng dư của doanh nghiệp ngày một nhỏ lại dẫn đến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó khăn do không đủ khả năng tích lũy.
Ngoài ra, khi hệ số co giãn về lao động tăng cao, nền kinh tế phải cần một lượng vốn rất lớn mới có thể có được tăng trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua không thể phát triển (giá trị gia tăng đóng góp vào GDP chỉ loanh quanh ở mức 7-8%).
Tuy nhiên, hệ số này ở các ngành là không giống nhau. Hầu hết nhóm ngành chế biến, chế tạo có hệ số thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần rất cao, hệ số thặng dư rất thấp, nên nếu quyết định tăng lương không từ năng suất (quyết định hộ doanh nghiệp) ở những ngành này sẽ làm doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Nhưng ngược lại, một số ngành lại có hệ số co giãn về thặng dư rất cao, như nhóm ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhà hàng…
Điều đó cho thấy việc quyết định tăng tiền lương tối thiểu vùng không nên làm đồng loạt đại trà mà cần tính toán ký lưỡng cho các nhóm ngành khác nhau, thậm chí nên nghiên cứu cho các nhóm ngành trong một vùng.
Khi nhận thức của xã hội được nâng lên, tốt nhất hãy để doanh nghiệp tự cân nhắc, quyết định việc tăng lương dựa trên hiệu quả sản xuất và nguồn nhân lực của họ.
Theo Thesaigontimes.vn