[vccitranslate]

Tăng cường sử dụng mạng xã hội trong đối thoại chính quyền và doanh nghiệp

Nhiều cơ quan nhà nước đã tích cực sử dụng internet trong tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp (DN). Qua facebook, zalo, người dân, DN có thể phản ánh, thông tin các vấn đề liên quan khi đến các cơ quan hành chính. Từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý cũng có thể thông tin nhanh, cần thiết đến người dân và DN…

Đó là nhận định của ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết tại Hội thảo “Sử dụng mạng xã hội trong đối thoại chính quyền và doanh nghiệp” do VCCI và Facebook tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 14/12.

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI kiêm Giám đốc VCCI tại TP.HCM chia sẻ tại hội thảo.

Theo ông Võ Tân Thành, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ khá sớm. Cụ thể, Chỉ thị 58/CT – TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2000; Nghị quyết 36/NQ – TW của của Bộ Chính trị năm 2014; Nghị quyết 36a/NQ – CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử… Cổng thông tin Chính phủ đã có hai tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia” để cung cấp thông tin cho người dân kịp thời, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế xã hội; hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước… Trong thời gian tới, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được coi là ưu tiên và trở thành phương thức phát triển mới trong các cơ quan hành chính.

Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm của TP. HCM về việc ứng dụng mạng xã hội trong đối thoại với người dân.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 14 triệu người sử dụng mạng xã hội. Thành phố đã mở rộng thêm kênh tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, người dân thông qua mạng xã hội facebook bằng sử dụng fanpage cho hệ thống 1022 (facebook.com/1022tphcm). Bên cạnh đó, Thành phố thiết lập kênh tương tác chính thức tổng đài 1022 như phát triển mobile, App, tiếp nhận thông tin khẩn cấp cháy nổ, tai nạn giao thông… giải đáp thông tin cho người dân kịp thời, lắng nghe các ý kiến của người dân, tổ chức và doanh nghiệp là rất cần thiết và phù hợp xu hướng; kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành các sở-ban-ngành, UBND các quận, huyện… Qua đó, Chính quyền cung cấp thông tin tuyên truyền, quảng bá có định hướng cho người dân.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương thời gian qua đã thực hiện đối thoại với người dân trên mạng xã hội, trên cổng thông tin của địa phương. Chính quyền địa phương ứng dụng Zalo sớm để tạo kênh truyền thông, giao tiếp với người dân là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai. Hiện Đồng Nai với triển khai ứng dụng chính quyền điện tử trên Zalo – một sản phẩm truyền thông của Việt Nam hiện đã có hơn 70 triệu người dùng. Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và vận hành trang Facebook DCCI. Theo bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu kép trong ứng dụng mạng xã hội tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, người dân. Từ đó, DN, người dân tiếp cận nhiều thông tin hơn, thuận lợi và dễ dàng hơn, chi phí thấp hơn; phản ánh các khó khăn, vướng mắc của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng dễ hơn, thuận lợi hơn; các DN và người dân cũng hy vọng được hướng dẫn, giúp đỡ, các vướng mắc, khó khăn được tháo bỏ, được giải quyết…

Bà Vũ Kim Chi – Phó trưởng ban – Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm về việc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua mạng xã hội.

Hiện nay, xu hướng của các trang mạng xã hội là dùng video hình ảnh để sự tương tác hiệu quả và thu hút nhiều người tham gia hơn. Đặc biệt, người quản lý các trang này cũng cần nghiên cứu xu hướng, sự quan tâm của những đối tượng tham gia trang này để thu hút nhiều người xem. Theo thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có đến 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số, cao hơn tỷ lệ bình quân trên thế giới 46,6%. Riêng Facebook hiện có 60 triệu người dùng, đứng thứ 7 trên thế giới. Đến năm 2020, sẽ có 76,6 triệu dân chiếm 80% dân số, 70 triệu người dùng điện thoại di động.

Ông Noudhy Valdryno – Quản lý cao cấp Facebook khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ cách thức sử dụng fanpage sao cho cuốn hút.

Theo ông Noudhy Valdryno, Quản lý cấp cao Công ty Facebook khu vực châu Á Thái bình Dương, Việt Nam có 62 triệu người sử dụng Facebook tích cực mỗi tháng, với 60 triệu lượt truy cập trên điện thoại. Đến năm 2020, hơn 75% lưu lượng dữ liệu di động của thế giới sẽ là video và xu hướng hiện nay sử dụng facebook của người dân đăng tải thường xuyên, trả lời các bình luận và đa dạng các loại hình video, ảnh, liên kết, trạng thái. Ông Noudhy Valdryno cũng khuyến khích mọi người sử dụng Facebook có những tương tác xã hội ý nghĩa, quan hệ bạn bè và gia đình sẽ được ưu tiên và tăng cường bảo mật cho các trang cá nhân, tổ chức, DN.

Toàn cảnh Hội thảo “Sử dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp” diễn ra vào sáng 14/12 tại TP. HCM.

Theo Báo Công thương.

  • Sự kiện
  • Đào tạo