Tác động của Hiệp định thương mại tự do VN-EU và công ước cơ bản ILO đến quan hệ lao động tại nơi làm việc ở Việt Nam
- 15/10/2018
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là một hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đối với các ngành có thị trường xuất khẩu chủ yếu vào các nước Châu Âu như dệt may, giày da, đồ gỗ thì nếu xoá bỏ được rào cản thuế quan theo EVFTA, sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hoá khi nhập khẩu vào khu vực thị trường quan trọng này. Cơ hội mở ra rất lớn nhưng doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít thách thức về các quy tắc về xuất xứ, yêu cầu của khách hàng, các biện pháp phòng vệ thương mại và sức ép từ cạnh tranh hàng hoá dịch vụ của EU.
Nhận biết được đây là cơ hội và cũng là thách thức dành cho doanh nghiệp, ngày 12/10/2018, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) kết hợp cùng Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông lệ tốt về tuân thủ và nâng cao nhận thức về Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) và các công ước cơ bản của ILO cho Doanh nghiệp”.
Quang cảnh Hội thảo do VCCI-HCM và ILO phối hợp tổ chức tại TP. HCM ngày 12/10 vừa qua.
Hội thảo đã nhận được chia sẻ của các khách mời đến từ Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, Tổ chức Lao động Quốc tế – ILO, Chương trình Better Work Việt Nam, nhãn hàng IKEA, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và sự tham dự đông đảo của các đại diện đến từ doanh nghiệp sản xuất ngành đồ gỗ, dệt may, da giày trên địa bàn thành phố Hồ Chính Minh và các tỉnh lân cận.
Các đại biểu khách mời tham dự Hội thảo ngày 12/10.
Tại hội thảo Ông Trần Chí Dũng – VCCI Hà Nội đã có chia sẻ kết quả nghiên cứu tác động của Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) đến quan hệ lao động tại nơi làm việc ở Việt Nam do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam thực hiện. Báo cáo đã xác định được khoảng cách giữa cam kết lao động trong EVFTA với pháp luật và thực tiễn lao động hiện hành ở Việt Nam đồng thời phân tích cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động từ đó nêu lên được những đề xuất khuyến nghị về thực tiễn lao động ở Việt Nam để thực hiện các cam kết của EVFTA.
Các đại biểu tham dự hội thảo còn được lắng nghe chia sẻ ý nghĩa các công ước cơ bản ILO về lao động có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp và quan điểm cũng như yêu cầu về tuân thủ, phát triển bền vững của hãng hàng IKEA trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng tuân thủ của các doanh nghiệp Việt Nam đã được phản ảnh rất chân thực và chi tiết qua phần trình bày của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Đại diện Chương trình Better Work Việt Nam cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp về những hỗ trợ và lợi ích mà chương trình đang thực hiện cho các doanh nghiệp may mặc.
Trong phần toạ đàm giữa các khách mời và doanh nghiệp, thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến Hiệp định EVFTA và công ước cơ bản của ILO đã được các khách mời giải đáp và chia sẻ nhiều nội dung thiết thực.
Các doanh nghiệp tham gia rất hứng thú với những thông tin được chia sẻ tại hội thảo. Doanh nghiệp đã được cung cấp nhiều thông tin có giá trị về tuân thủ và phát triển bền vững để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà một trong những yếu tố thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong kinh doanh.
Theo VCCI-HCM