Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo – Nhiều điều chỉnh ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp
- 04/10/2023
Quảng cáo là việc các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện khác nhau nhằm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp. Đây là một công cụ hiệu quả, đóng vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng, thúc đẩy cung cầu của nền kinh tế. Luật Quảng cáo 2012 được ban hành ngày 21/6/2012 đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc điều chỉnh các hoạt động quảng cáo. Chính nhờ cơ chế điều chỉnh hiệu quả mà số lượng cũng như chất lượng nội dung quảng cáo hiện nay ngày càng tăng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng như thúc đẩy quá trình lưu thông của hàng hoá, dịch vụ.
Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ áp dụng, các quy định về quảng cáo dường như vẫn chưa đáp ứng kịp thời sự phát triển của nền kinh tế – xã hội, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế. Do đó, để củng cố thêm hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (“Luật sửa đổi Luật Quảng cáo”). Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Dự thảo Đề cương chi tiết Luật sửa đổi Luật Quảng cáo. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số nội dung mà doanh nghiệp cần lưu ý trong Dự thảo lần này, liên quan đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1. Nới lỏng các quy định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo tại Việt Nam
Hiện nay, theo Biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO của Việt Nam, đối với lĩnh vực quảng cáo, Việt Nam cam kết như sau:
- Không hạn chế đối với hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới;
- Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo đối với hình thức hiện diện thương mại.
Như vậy, có thể thấy cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO gồm hai nội dung, liên quan đến hai phương thức cung cấp dịch vụ, trong đó không hạn chế đối với hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, nhưng vẫn đặt ra yêu cầu nhất định đối với hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài.
Luật Quảng cáo 2012, tại Điều 23 không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài quảng cáo xuyên biên giới, tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP lại đặt ra yêu cầu về việc tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Quy định này dẫn đến việc phát sinh thêm hoạt động ủy quyền giữa thương nhân nước ngoài và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Không những thế, quy định này cũng làm phát sinh thêm thủ tục thông báo thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định này có vẻ đang không phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đối với hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Ngày 20/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/9/2021, theo đó đã loại bỏ quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP về việc yêu cầu phải ủy quyền cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
Tiếp nối tinh thần trong Nghị định 70/2021/NĐ-CP, Dự thảo Đề cương Luật sửa đổi Luật Quảng cáo đã đề cập việc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, dựa trên cơ sở các quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hay nói cách khác, Dự thảo Đề cương đã “Luật định” cụ thể quyền và nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Đối với hình thức cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, như đã đề cập ở trên, trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO vẫn còn đặt ra yêu cầu về việc nhà đầu tư nước ngoài muốn hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam phải thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Cam kết này được Luật hóa bởi quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật Quảng cáo 2012.
Tuy nhiên, với chặng đường hơn 10 năm áp dụng quy định này, dường như quy định này đã không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Có thể hiểu mục đích ban đầu của Việt Nam khi đưa ra cam kết và Luật hóa quy định này nhằm bảo vệ cho ngành quảng cáo còn non trẻ của Việt Nam trước áp lực cạnh tranh từ các cường quốc về quảng cáo trên thế giới. Tuy nhiên, quy định này hiện nay đã không còn thực sự bảo vệ được cho ngành quảng cáo trong nước, chưa kể, quy định này còn làm gia tăng hoạt động đầu tư mượn danh để tránh các hạn chế của pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo.
Chính vì lẽ đó, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quảng cáo đã có một điều chỉnh rất quan trọng, đó là sửa đổi, bổ sung quy định doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, không cần phải phải hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam.
Mặc dù chưa đưa ra quy định chính thức về việc này, tuy nhiên, với tinh thần không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài muốn hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam phải thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo, trong thời gian tới, quảng cáo sẽ là lĩnh vực đầu tư hứa hẹn thu hút nhiều hơn sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo cũng cần phải tự nâng cấp doanh nghiệp mình để sẵn sàng đối chọi với áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư ngoại cùng lĩnh vực.
2. Cập nhật thêm các điều kiện quảng cáo đối với các sản phẩm đặc biệt
Đối với hoạt động quảng cáo nói chung, luật hiện hành hiện đang có sự phân biệt rõ ràng đối với nội dung quảng cáo của các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt (“sản phẩm đặc biệt”) so với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thông thường[1]. Theo đó, ngoài các điều kiện chung, các sản phẩm này còn phải đáp ứng các điều kiện quảng cáo riêng và đảm bảo nội dung quảng cáo theo quy định chuyên ngành. Đơn cử, thuốc hiện nay được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ về nội dung quảng cáo. Để đáp ứng đủ điều kiện quảng cáo thuốc, nội dung quảng cáo trước hết phải tuân thủ các quy định tại Điều 125 Nghị định 54/2017/NĐ-CP đối với từng hình thức quảng cáo, sau đó phải tiến hành thủ tục yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo[2] trước khi giới thiệu sản phẩm đến công chúng.
Các quy định quảng cáo đối với các sản phẩm đặc biệt nói chung và thuốc nói riêng đều rất khắt khe, tuy nhiên điều này là phù hợp vì đây là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường[3]. Nếu nội dung quảng cáo không phù hợp hoặc không trung thực, không được thẩm định kỹ thì có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thậm chí khó có thể khắc phục được hoặc phải khắc phục với chi phí rất cao.
Bởi tầm ảnh hưởng của quảng cáo trong việc lưu thông các sản phẩm đặc biệt nói trên, Nhà nước hiện có định hướng bổ sung thêm các yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm này trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và cập nhật phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành mới ban hành[4], nội dung sửa đổi sẽ do các Bộ có liên quan đề xuất xây dựng[5]. Từ thực trạng hiện nay, dù pháp luật đã quy định rất chặt chẽ về điều kiện và nội dung quảng cáo các sản phẩm đặc biệt, cụ thể là thuốc, nhưng mạng xã hội vẫn tràn lan các quảng cáo thuốc đông y gia truyền, cam kết chữa khỏi bệnh…. Vậy nên các quy định sửa đổi sắp tới dự kiến sẽ siết chặt thêm các quy định hiện hành liên quan đến nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm đặc biệt nêu trên.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo và việc hoàn thiện các quy định về quảng cáo vẫn cần thêm thời gian, do đó, chưa thể kết luận được các yêu cầu bổ sung này có mang đến lợi ích tích cực cho nền kinh tế và hiệu quả quản lý kinh tế – xã hội hay không, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Mặc dù vậy, những doanh nghiệp hiện đang kinh doanh các sản phẩm đặc biệt nêu trên mà phát sinh hoạt động quảng cáo cũng cần phải lưu ý để cập nhật thường xuyên tiến độ hoàn thiện quy định pháp luật về quảng cáo để nắm bắt kịp thời các điều chỉnh, bổ sung liên quan đến điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm mà mình đang kinh doanh.
Tóm lại, dù vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, nhưng Luật sửa đổi Luật Quảng cáo vẫn hứa hẹn sẽ mang lại những điều chỉnh tích cực đối với các doanh nghiệp quảng cáo, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, những quy định mới còn giúp cho hoạt động quảng cáo tại Việt Nam được sàng lọc kỹ lưỡng hơn trước khi được truyền tải đến công chúng, thúc đẩy sự thay đổi trong nội tại các doanh nghiệp quảng cáo, hướng đến những sản phẩm quảng cáo với chất lượng và giá trị cao hơn.
[1] Khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012.
[2] Thủ tục này áp dụng đối với tất cả sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
[3] Khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012.
[4] Khoản 5 Điều 1 Đề cương Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quảng cáo.
[5] Khoản 6 Điều 1 Đề cương Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quảng cáo.
Bài viết được thực hiện với sự cộng tác giữa VCCI-HCM và Công Ty Luật TNHH HM&P.