Quy định tự chứng nhận xuất xứ: Có “tự nhốt mình”?
- 04/07/2017
Nhiều ý kiến cho rằng không nên quá thận trọng mà đưa ra những quy định khắt khe gây khó cho doanh nghiệp, khiến họ mất cơ hội được “trao quyền” tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong giai đoạn đầu hội nhập hiện nay. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng của mình mới được tự chứng nhận xuất xứ
Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), nhà xuất khẩu ở các nước trong khu vực phải xin chứng nhận xuất xứ mẫu D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Tuy nhiên, các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cũng như doanh nghiệp khẳng định là có nhiều lợi ích. Cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thời gian xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí giao dịch…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sẽ tiết kiệm nhân, vật lực, tiết kiệm được chi phí quản lý vận hành… và khi phát hiện gian lận trong xuất xứ hàng hóa thì chỉ việc truy cứu trách nhiệm hoặc rút giấy phép hoạt động của nhà xuất nhập khẩu và truy thu theo quy định.
Hiện tại ASEAN đã thực hiện hai dự án thí điểm về tự chứng nhận xuất xứ, theo đó các nhà xuất khẩu đủ điều kiện sẽ được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại cho hàng xuất khẩu.
Dự án thí điểm thứ nhất ký vào ngày 30-8-2010 bởi ba nước Brunei, Malaysia và Singapore, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-11-2010. Thái Lan tham gia dự án thí điểm này vào tháng 10-2011.
Dự án thí điểm thứ hai được ký vào ngày 29-8-2012 bởi ba nước Lào, Indonesia và Philippines, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2014. Việt Nam tham gia vào dự án thí điểm này vào tháng 9-2014.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, điểm khác biệt chính giữa hai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ này là trong dự án thí điểm thứ nhất, thương nhân xuất khẩu hay thương nhân nhập khẩu đều có thể tự chứng nhận; còn trong dự án thí điểm thứ hai, chỉ doanh nghiệp sản xuất được tự chứng nhận khi xuất khẩu hàng hóa của mình.
Với việc tham gia dự án thí điểm thứ hai, những doanh nghiệp không phải là nhà sản xuất sẽ không được “trao quyền” tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, trong khi hoạt động của doanh nghiệp sản xuất trong nước thì còn yếu kém về nhiều mặt so với doanh nghiệp các nước. Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta không tham gia vào dự án thí điểm thứ nhất để mở rộng đối tượng doanh nghiệp được “trao quyền”.
Theo giới phân tích, việc “trao quyền” này không mới với thế giới nhưng mới với Việt Nam và các nước đang phát triển. Do đó, việc cơ quan quản lý thận trọng để chọn doanh nghiệp tham gia là điều dễ hiểu.
Nhưng doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó
Nhưng doanh nghiệp sản xuất cũng chưa chắc có thể được chọn tham gia dự án thứ điểm thứ hai. Bởi ngoài quy định là nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa, theo Thông tư 28/2015/TT-BCT, một trong những tiêu chí khác để lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ là doanh nghiệp không vi phạm quy định về xuất xứ trong hai năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.
Đáng chú ý, Thông tư 28 này của Bộ Công Thương còn quy định doanh nghiệp phải có kim ngạch xuất khẩu đi thị trường ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu đô la Mỹ. Đây được xem là một trong những tiêu chí thách thức và là rào cản lớn với nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện nay.
Điều này được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại buổi giới thiệu chương trình đào tạo Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM phối hợp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức vào tuần trước.
Bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 9, TPHCM, cho rằng sẽ khó có doanh nghiệp nhỏ và vừa nào có thể được “trao quyền” tự chứng nhận xuất xứ với quy định về kim ngạch xuất khẩu nói trên. Bà Thiêm đặt câu hỏi vì sao cơ quan quản lý lại đặt ra tiêu chí này trong khi những nước nhập khẩu lại không ràng buộc và ngay những nước tham gia cũng không bắt doanh nghiệp nước họ về tiêu chí doanh thu xuất khẩu. “Điều này chẳng khác nào chúng ta tự nhốt mình?”, bà Thiêm nói.
Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng kim ngạch xuất khẩu của họ có thể cao hơn 10 triệu đô la Mỹ/năm ở các thị trường khác trên thế giới, nhưng sẽ rất khó đạt được nếu chỉ khoanh vùng ở khu vực ASEAN, vốn không phải là thị trường xuất khẩu chính lâu nay của doanh nghiệp Việt Nam.
Tại buổi giới thiệu nói trên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng xác nhận các nước tham gia không ràng buộc điều kiện về doanh thu xuất khẩu đối với doanh nghiệp được lựa chọn để “trao quyền” tự chứng nhận xuất xứ của nước họ.
Kiến nghị nới lỏng
Một số ý kiến khác lại cho rằng cơ quan quản lý có lý khi thận trọng đưa ra những quy định trên. Trước đó, đại diện Trung tâm Thương mại châu Á (đặt tại Singapore) cho rằng khi một công ty tự chứng nhận xuất xứ bị phát hiện gian lận, các nước nhập khẩu thường sẽ không chấp nhận việc tự chứng nhận C/O của cả một ngành sản xuất ở nước đó, chứ không chỉ riêng công ty vi phạm. Ngoài ra, việc tự chứng nhận xuất xứ cũng phát sinh rủi ro như khả năng xảy ra gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi; cũng như gian lận thương mại hàng nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam…
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nếu vì lo ngại một số doanh nghiệp gian lận mà đưa ra những quy định quá khắt khe, “đóng cửa” với các doanh nghiệp khác, thì không phù hợp trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Vấn đề là phải tăng cường tập huấn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung tự khai báo, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép tự chứng nhận xuất xứ và bị xử phạt hành chính.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đánh giá, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giúp doanh nghiệp nắm bắt sâu cam kết về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp làm quen với xu hướng mới trong các FTA, có kinh nghiệm thực tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 10-9-2014, đưa Việt Nam tham gia vào Dự án thí điểm số 2 về Tự chứng nhận xuất xứ ASEAN. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 28/2015/TT-BCT hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Hiện mới có hai doanh nghiệp trong nước được chọn thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN gồm Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Nestlé Việt Nam. Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu, Thái Lan có đến hàng trăm doanh nghiệp và ngay cả Lào, số doanh nghiệp được “trao quyền” cũng vượt Việt Nam.
Theo Quyết định 2316/QD-BCT, Bộ Công Thương chỉ định Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM là đơn vị tổ chức chương trình đào tạo về Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp.
Theo Thesaigontimes.vn