[vccitranslate]

Phó Chủ tịch VCCI: Gần 90% doanh nghiệp ĐBSCL ngừng hoạt động trong 3 tháng qua

Ngày 1/10, Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng sông Cửu Long – Dự báo Quý IV và triển vọng năm 2022”. Hội thảo có sự tham dự của Ông Lê Minh Hoan, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và Phát triển Nông thôn; Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI; Ông Đỗ Tiến Sỹ – UVTW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV); Ông Vũ Tiến Lộc – ĐBQH – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN; Ông Nguyễn Xuân Thành – Chuyên gia chính sách công – Trường Chính sách công và Quản lý – ĐH Fulbright Việt Nam. 

Gần 90% doanh nghiệp ĐBSCL tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng qua

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Đáng chú ý là số DN rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn DN gia nhập thị trường, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng năm nay, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Thành, riêng ĐBSCL, con số các DN tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…), theo khảo sát của VCCI Cần Thơ.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), số liệu của Tổng cục Thống kê có 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng đông nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu hơn 90 nghìn DN rút khỏi thị trường như trên là chưa kể đến số lượng không nhỏ DN đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm thủ tục giải thể phá sản do dịch bệnh. Phần lớn các doanh nghiệp khó có thể trụ thêm 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

Lo ngại thất nghiệp gia tăng

Chủ tịch VIAC cho biết, trong quý 3/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. “Chỉ trong 100 ngày, số người thất nghiệp đã tăng thêm 2,4 triệu người. Đằng sau đó là sinh kế của ngần ấy gia đình” – ông Lộc phát biểu.

Chủ tịch VIAC cho biết thêm, năm 2021, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%, là mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi hiện nay các nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng là các thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư chiến lược của chúng ta đang trong quá trình phục hồi kinh tế…

Theo VCCI Cần Thơ, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, vùng ĐBSCL đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa ngừng hoạt động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021…

Các đại biểu tại hội thảo

Nông nghiệp duy trì tăng trưởng

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù GDP Quý III/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL – trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.

Giải pháp thích ứng là yếu tố quyết định sự sống còn

Theo TS Vũ Tiến Lộc, dự kiến ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%, mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng và các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng. Các nhà đầu tư FDI không chờ đợi, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn đã dừng lại, không tiếp tục triển khai.

Trong nước thì doanh nghiệp và nền kinh tế đang “sức cùng”, “lực kiệt”, người dân và doanh nghiệp mất đi sinh kế, chi phí cho y tế tăng lên, trong khi ngân sách nhà nước và các địa phương thì co hẹp. TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác đang là cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế. “3 tháng cuối năm, 100 ngày tới là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam. Mở cửa là con đường không thể nào khác được. Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Theo ông Võ Tân Thành, thời điểm mở cửa lại là thời điểm DN phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi,…

Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của DN sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.

“Chính vì thế, Hội thảo ngày hôm nay sẽ là một khởi đầu quan trọng cho việc cung cấp thông tin cho cộng đồng DN về những diễn biến mới nhất nền kinh tế, dự báo Quý IV và triển vọng năm 2022, những chủ trương và động thái hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Các chuyên gia kinh tế sẽ đúc kết những cơ hội và thách thức của bối cảnh mới nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đưa ra những lời khuyên cần thiết để các DN chuẩn bị bước vào giai đoạn tái sản xuất”, ông Thành nói.

Nguồn: VCCI Cần Thơ, vtc.vn; nhandan.vn, tienphong.vn

  • Sự kiện
  • Đào tạo