[vccitranslate]

Năng lượng xanh: Xu hướng tất yếu và bền vững

Ngày 28/07/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan (TAITRA) tổ chức Hội thảo: “Hiểu hơn về năng lượng xanh, dự báo và phát triển Đài Việt” nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp Việt Nam xu hướng toàn cầu trong phát triển của ngành năng lượng xanh, các cơ hội tại thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay, công nghệ hệ thống quang điện và tấm pin năng lượng mặt trời, ứng dụng và phát triển pin Lithium Iron trong năng lượng xanh và các giải pháp hydrogen áp suất thấp.

Hội thảo đã giới thiệu đến các DN về sự phát triển ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ điện quang pin năng lượng mặt trời của Đài Loan cùng với kinh nghiệm ứng dụng của ngành này trong cuộc sống và sản xuất công nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo

Theo bà Karen Ma, Giám đốc Văn phòng Dự án Thương mại Xanh, Đài Loan, hiện nay ở nhiều quốc gia châu Á, việc sử dụng năng lượng xanh trong đó có năng lượng mặt trời đang được xem như một giải pháp hữu hiệu cho việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Hiện nhu cầu của sử dụng năng lượng tại các nước đang phát triển là rất lớn trong khi việc khai thác nguồn năng lượng từ nhiệt điện, thuỷ điện cũng như các nguyên liệu khác không chỉ gây nhiễm mà còn tốn kém về chi phí. Do đó, tập trung phát triển và đầu tư cho năng lượng xanh nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng là xu hướng tất yếu và bền vững.

Tại Đài Loan, bà Karen Ma cho biết, Chính quyền Đài Loan đã xây dựng một chiến lược phát triển, đồng thời với chiến lược là các chính sách vĩ mô như ưu tiên về vốn, ưu đãi giá cho người dùng… để thúc đẩy sự phát triển năng lượng xanh. Đặt mục tiêu đến năm 2025, 25% sản lượng điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Còn theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Chính phủ Việt Nam hiện đã chú trọng đến việc phát triển năng lượng xanh. Chiến lược năng lượng xanh của Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 3.000 đến 5.000MW công suất với sản lượng hơn 10 tỷ kWh năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, đã có chế độ hỗ trợ giá riêng cho cho điện gió, chính sách giá mua điện năng lượng mặt trời, đồng thời trợ vốn với lại suất thấp cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, hiện còn nhiều khó khăn đối với việc phát triển nguồn năng lượng xanh đối với các DN Việt Nam vì vốn đầu tư cao, giá điện thu mua còn thấp nên chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư, thủ tục còn phức tạp, nhân lực cho ngành còn yếu, quỹ đất hạn hẹp…

Vì vậy, về phía Chính phủ, cần có các chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ… Bên cạnh đó, cần có qui định bắt buộc các đơn vị sản xuất (hoặc tiêu thụ) phải đảm bảo một phần lượng điện sản xuất, tiêu thụ từ nguồn năng lượng xanh, hay tài trợ giá từ nguồn vốn nhà nước, hoặc buộc các đơn vị sản xuất, truyền tải phải mua hết điện từ nguồn năng lượng xanh.

Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền để các DN, người dân nâng cao ý thức về việc tăng cường sử dụng năng lượng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và toàn cầu.

Các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm trong buổi hội thảo.

Hiện nay, nhu cầu phát triển năng lượng xanh và sạch là xu hướng ngày càng tăng trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ phát triển cao, nhu cầu con người về môi trường xanh – sạch –  văn minh – thân thiện ngày càng gia tăng. Vì thế mà Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về ngành công nghiệp xanh. Chính phủ Việt Nam cũng đang có nhiều nỗ lực để tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng sạch.

Bắt kịp được xu thế phát triển, các doanh nghiệp Đài Loan ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Đông Nam Á nói chung và đặc biệt là Việt Nam nói riêng. Đài Loan hiện là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữ hai nước năm 2016 đạt 13,5 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu 2,3 tỷ USD và nhập khẩu là 11,2 tỷ USD. Cho đến nay, Đài Loan đang xếp thứ 4 trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tổng hợp từ Chinhphu.vn và các nguồn khác

  • Sự kiện
  • Đào tạo