Nâng cao năng lực quản lý hoá chất cho DN, hướng đến phát triển xanh, bền vững để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
- 01/04/2021
Ngày 23/03/2021, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức buổi hội thảo và tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý hoá chất – phát triển xanh bền vững tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của 60 đại diện lãnh đạo và cán bộ quản lý doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, da giày, cung cấp hóa chất và nguyên phụ liệu, xử lý môi trường, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhãn hàng thời trang…
Trong buổi hội thảo, Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI-HCM đã chia sẻ bài báo cáo về “PHÁT TRIỂN XANH VÀ BỀN VỮNG – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TỪ CÁC FTA THẾ HỆ MỚI ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM THAM GIA CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU”.
Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam gồm 17 tiêu chí.
Theo tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng hướng đến phát triển bền vững. Các cam kết quốc tế về môi trường, thương mại và phát triển bền vững gồm:
- Các tiêu chuẩn và Thỏa thuận Đa phương về Lao động
- Biến đổi khí hậu
- Đa dạng sinh học
- Quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản:
- Thương mại và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Trong bài báo cáo của mình, Ông Nguyễn Hữu Nam đã đặt ra câu hỏi “Doanh nghiệp cần làm gì để được hưởng ưu đãi từ các FTAs (EVFTA, UKVNFTA, CPTPP, RCEP?”.
Theo đó, quy tắc xuất xứ là 1 trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA, UKVNFTA, CPTPP, RCEP, … đặc biệt là các ngành hàng mà Việt Nam không có thế mạnh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, điển hình là ngành may mặc, thiết bị điện, điện tử, xe đạp, …. Quy tắc xuất xứ được ví như 1 trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, Anh Quốc, RCEP, CPTPP đầy tiềm năng.
Trong thương mại quốc tế, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers to Trade – TBT) thực chất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.
Các biện pháp kỹ thuật này về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh, … Vì vậy, mỗi nước thành viên WTO (EVFTA, UKVNFTA, CPTPP, RCEP,…) đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế các biện pháp kỹ thuật có thể là những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được sử dụng vì mục tiêu bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hóa nước ngoài vào thị trường nước nhập khẩu.
Trong phần báo cáo của mình, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký VITAS đã chia sẻ về hiện trạng ngành dệt may Việt Nam và giải pháp “xanh hóa ngành dệt may” trong hội nhập và phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là nền tảng quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam ở bất kỳ quy mô nào cũng phải hướng tới. Đây là chuẩn mực quan trọng giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, ngoài yếu tố về chất lượng, giá cả thì những yếu tố này cũng được các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm. Do đó, giải pháp “xanh hóa ngành dệt may” đã được đưa ra để phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam.
Sự tham gia và cam kết mạnh của khối PPP (Chính phủ, Hiệp hội Dệt may, Doanh nghiệp, Các tổ chức phi chính phủ và quốc tế, Khối ngân hàng, Các tổ chức chứng nhận) sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng và các bên cần phải gắn kết và tạo ra các mục tiêu cùng có lợi: Hỗ trợ các cam kết quốc tế; Đơn giản hóa việc đo lường và đánh giá; Tạo điều kiện thuận lợi các nguồn lực tài chính xanh đến các khu vực cần thiết để có được tác động tối đa.
Theo đó, 8 mục tiêu ưu tiên lớn trong 17 mục tiêu phát triển bền vững là xóa nghèo, chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, việc làm đàng hoàng và tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và hợp tác để thực hiện hóa các mục tiêu. Các vấn đề trọng tâm trong thời gian tới để chuyển hướng sang dệt may bền vững là biến đổi khí hậu, nước, chất thải, hóa chất, tìm nguồn cung ứng bền vững, và lao động. Và định hướng phát triển bền vững của VITAS là nền tảng đại diện cho sản xuất bền vững tại Việt Nam; Tạo điều kiện chuyển giao kiến thức cho doanh nghiệp; Liên kết các chuyên gia từ Chính phủ, các Bộ Ngành và các bên liên quan khác; Tích cực ủng hộ lợi ích của Ngành; Cam kết đóng góp vào quá trình chuyển đổi của Ngành.
Tại buổi hội thảo, Mr. Tom – New Win Win Technology – đã chia sẻ báo cáo về “NÂNG CAO NĂNG LỰC SẢN XUẤT, RÚT NGẮN QUY TRÌNH SẢN XUẤT VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỆT MAY”.
Hiện nay, khách hàng thường yêu cầu sản phẩm có độ ẩm hút ẩm, vì vậy doanh nghiệp nên cẩn thận lựa chọn độ mềm trong độ ẩm để ngăn ngừa nhăn và tăng độ bão hòa màu của bề mặt vải.
Việc sử dụng chất làm phẳng là để thúc đẩy sự kết hợp của thuốc nhuộm và sợi và màu sắc đồng nhất. Một chất làm phẳng tốt có thể thúc đẩy sự kết hợp hoàn toàn của thuốc nhuộm và sợi và sự hấp thụ hoàn toàn của thuốc nhuộm vào sợi, dẫn đến dễ xử lý nước thải hơn.
Nếu doanh nghiệp muốn nâng tầm giá trị sản phẩm thì sản phẩm nên có một số chức năng như: kháng khuẩn, hấp thụ độ ẩm tốt, dễ dàng loại bỏ vết bẩn, chống tia UV…
Để bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp nên phải sử dụng các sản phẩm không chứa flo trong việc sử dụng chống thấm nước.
Trong buổi hội thảo và tập huấn,Ông Nguyễn Minh Trúc – Công ty TÜV SÜD Việt Nam – đã trình bày về “NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ HÓA CHẤT CHO DOANH NGHIỆP NGÀNH DỆT MAY” gồm các nội dung cách lập cơ sở dữ liệu hóa chất, chính sách, chiến lược, đánh giá, an toàn sử dụng, lưu trữ, kiểm soát các quy trình và chương trình cải tiến.
Theo đó, cơ sở dữ liệu hóa chất (CIL) phải có dữ liệu cơ bản, dữ liệu mở rộng và dữ liệu cần thêm. Chính sách quản lý hóa chất bao gồm “tuyên ngôn”, chấp nhận chương trình ZDHC, ZDHC MRCL…, các cam kết, bảo đảm, các biện pháp và quy trình thực hiện, cách truyền tải thông tin về chính sách và thủ tục minh bạch thông tin. Chiến lược quản lý hóa chất cần phải xác định phạm vi của hệ thống quản lý hóa chất; quyết định về hạ tầng và nguồn lực để triển khai; chốt các kế hoạch hành động, công cụ, KPI, phương pháp, tài chính, nhân sự. Doanh nghiệp cần đánh giá tuân thủ luật định; tính nguy hại và nguy cơ của hóa chất; chuỗi cung ứng; thay thế hóa chất. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn phải kiểm soát sự phơi nhiễm (da, đường thở, đường miệng); quy trình ứng phó sự cố; sự sẵn sàng và phù hợp của PPE.