Mời doanh nghiệp, doanh nhân “hiến kế” hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế
- 10/09/2019
Ngày 3/9/2019, Ban Kinh tế trung ương phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Cuộc vận động được phát động với mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động Nguyễn Văn Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc… cùng các thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Ông Bình cũng nhấn mạnh, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững.
Thông qua cuộc vận động này, doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mình, đóng góp ý kiến để Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển, xây dựng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế ngày càng phát triển bền vững.
Một số ý kiến được ghi nhận:
* Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI):
“Hội nghị Diên Hồng” cho doanh nghiệp hiến kế
Hiến pháp VN đã nhấn mạnh khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, gần 6 triệu thực thể kinh doanh. Tuy nhiên, trong số 700.000 doanh nghiệp, hơn 90% là có quy mô nhỏ và vừa.
Từ trước đến nay Đảng đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, có thể là các cuộc đối thoại, tiếp xúc với chính quyền, bộ ngành.
Ban Kinh tế trung ương chủ trì tổ chức cuộc vận động là sáng kiến rất quan trọng. Đây cũng chính là dạng “hội nghị Diên Hồng” để doanh nghiệp, người dân có thể hiến kế với Đảng để phát triển kinh tế.
Sức mạnh kinh tế của VN phụ thuộc vào sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cuộc vận động này là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh.
* Ông Lê Chung Hiếu (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tây Bắc):
Lắng nghe và sửa đổi
Không ai hiểu thuận lợi cũng như khó khăn trong sản xuất kinh doanh bằng doanh nghiệp. Thực tế, nhiều chính sách đưa ra bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp liên tục góp ý, phản ứng. Có cơ quan tiếp thu, thừa nhận bất cập nhưng để sửa văn bản có khi phải chờ cả quý, thậm chí cả năm.
Đơn cử, sau gần một năm doanh nghiệp góp ý, Tổng cục Hải quan mới đây có văn bản không truy thu thuế đối với nguyên liệu để gia công, sản xuất hàng hóa tại chỗ.
Chính sách, quy trình do con người làm ra. Nó không thể đúng và phù hợp với mọi thời điểm. Do đó việc góp ý, hiến kế của doanh nghiệp cần có sự đón nhận. Khi đã nghe, đã hiểu, điều quan trọng là cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung cho kịp thời.
* Ông Trần Việt Tiến (Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM):
Lắng nghe thường xuyên hơn
Doanh nghiệp tư nhân VN đang đứng trước sự chuyển đổi lớn khi xuất hiện công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận được những tác động của biến động địa chính trị vào việc làm ăn của họ.
Doanh nghiệp tư nhân chắc chắn phải chủ động thay đổi mới tồn tại được. Họ không chờ ưu đãi nhưng giải quyết bài toán về năng suất, lao động… là điều Nhà nước, Chính phủ có thể hỗ trợ.
Nhiều doanh nghiệp nói họ không quen với dự thảo, nghị định… nên chỉ có thể phát biểu từ thực tế. Chúng tôi kỳ vọng vào sự lắng nghe, cập nhật thường xuyên đời sống doanh nghiệp sẽ giúp cơ quan quản lý có những chính sách thực tiễn hơn.
——————————————————————————————————————————————————————————–
Tại lễ phát động, Ban tổ chức đã công bố thể lệ cuộc vận động, theo đó các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động đến 31/12/2019.
Thời gian xét chọn góp ý, đề xuất: Từ tháng 1 đến tháng 3/2020.
Lễ tôn vinh và trao giải dự kiến: Tổ chức vào tháng 4/2020.
Ban tổ chức sẽ trao 01 giải đặc biệt 300 triệu đồng; 3 giải nhất mỗi giải 100 triệu đồng; 5 giải nhì, mỗi giải 50 triệu đồng; 10 giải ba, mỗi giải 20 triệu đồng; 20 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng.
Theo tuoitre.vn và baodansinh.vn