Hội thảo giới thiệu mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Tại diễn đàn kinh tế thế giới WEF được tổ chức vào năm 2018 đã đưa ra nhận định rằng một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam có thể kể đến là về chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động tại Việt Nam.

WEF cho rằng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để tìm được lao động phù hợp, và khả năng người lao động dịch chuyển công việc tương đối cao. Điều này kìm hãm khả năng thích ứng và tăng trưởng của nền kinh tế. Nhận định này hoàn toàn trùng khớp với báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI mà VCCI tiến hành khảo sát hàng năm trong đó tại báo cáo PCI 2021, các doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động là 15% doanh nghiệp cho biết lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn và 43% cho biết lao động địa phương đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Trong khi đó, 37% cho biết chất lượng lao động ở mức tạm được và khoảng 5% đánh giá phần lớn hoặc hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý. 75% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật. Tương tự, số doanh nghiệp cho biết khó tuyển được các vị trí giám sát và quản lý là rất cao, lần lượt là 80% và 85%….

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia đều có nhiều cơ hội cũng như thách thức để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, trong đó, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực sẽ ngày càng cao, giải pháp tốt nhất là phải nâng cao, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động.

Hội thảo giới thiệu mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã được khẳng định là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có những chỉ đạo, quyết sách phù hợp đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và có những chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thì doanh nghiệp vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngày 17/01/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 67/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận – theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động để tư vấn phát triển nguồn nhân lực tỉnh; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thúc đẩy tăng cường gắn kết mối quan hệ Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và yêu cầu phát triển nhân lực cho địa phương và khu vực; công tác chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án quan trọng có liên quan đến phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng, thực hiện và tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động và việc làm bền vững theo từng giai đoạn và từng năm, phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các chương trình phối hợp giữa các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng lao động gắn với việc làm bền vững; Cung cấp cho các bên liên quan đến giáo dục nghề nghiệp các thông tin về cơ chế, chính sách, năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, dự báo kỹ năng nghề đối với các ngành kinh tế trọng điểm để định hướng cho việc đào tạo và sử dụng lao động của địa phương.

Với mục đích giới thiệu mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh đến các bên có liên quan, ngày 21/3/2023 vừa qua, Ông Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chủ trì Hội thảo giới thiệu mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận; tham dự Hội thảo có Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; Bà Afsana – Phó Giám đốc điều phối chương trình Hợp tác quốc tế Việt Nam – Đức (GIZ); đại diện Tổ cục Giáo dục nghề nghiệp; Đại diện các tổ chức Quốc tế Aus4Skill, Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO), Liên minh Châu âu EU; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hội thảo giới thiệu mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sự quan tâm hỗ trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại diện tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) và những ý kiến hết sức tâm huyết, những chia sẻ hết sức cụ thể, sát hợp các các đại biểu tham dự Hội thảo. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội – cơ quan thường trực của Hội đồng GDNN tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương sớm tham mưu ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; tham mưu thành lập các tiểu ban có sự gắn kết của các bên đặc biệt là các doanh nghiệp, trước mắt thành lập Tiểu ban ngành Năng lượng, Tiểu ban ngành Du lịch. Tham mưu Ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động và chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2025. Tiếp tục đẩy mạnh việc cộng tác, hợp tác với Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) và VCCI-HCM cùng nghiên cứu, thảo luận, để đẩy mạnh chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2023 – 2025. Đồng chí cũng mong muốn Tổng cục GDNN, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức; chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận trong việc thực hiện có hiệu quả hoạt động của Hội đồng nói chung và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho tỉnh Ninh Thuận nói riêng trong thời gian đến.

Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI-HCM tham dự hội thảo đã chúc mừng sự ra đời của Hội đồng GDNN tỉnh Ninh Thuận và chia sẻ hy vọng thông qua cơ chế hoạt động của Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, với sự chia sẻ của các đối tác trong nước cũng như các kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh Ninh Thuận, góp phần đóng góp vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; VCCI-HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của doanh nghiệp trong khuôn khổ hoạt động của hội đồng nói riêng và trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói chung, vì một thị trường lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã tổ chức lễ ký kết Thoả thuận Hợp tác của UBND Tỉnh Ninh Thuận, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TpHCM và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ.

Theo VCCI-HCM

  • Sự kiện
  • Đào tạo

Bà Bùi Thị Ninh

Phó Giám đốc VCCI-HCM

093 815 0708

buithininh@vcci-hcm.org.vn