Luật bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng (GDPR) mở ra cơ hội vàng cho các thương hiệu
- 10/05/2018
Luật mới về bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng (GDPR) tại châu Âu sẽ đi vào hiệu lực từ ngày 25/5/2018. Đây là cơ hội vàng để các thương hiệu gầy dựng lại niềm tin với khách hàng của mình.
Niềm tin là nền móng cho tất cả các mối quan hệ, kể cả mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong một khảo sát ở vương quốc Anh, chỉ 10% người tiêu dùng tin tưởng người bán hàng và các thương hiệu khi họ đưa thông tin cá nhân. Luật GDPR mở ra 6 cơ hội để xây dựng lại niềm tin với khách hàng, bao gồm việc nâng cao chất lượng dữ liệu, thiết lập nền tảng đơn giản hơn, thu thập thông tin minh bạch hơn, xử lý dữ liệu, bảo vệ dữ liệu tốt hơn và tương tác với khách hàng tốt hơn
Phản ứng trên thế giới khi ngày luật GDPR có hiệu lực gần kề được chia thành ba nhóm. Nhóm 1 gồm những người tin rằng luật này không ảnh hưởng đến họ. Nhóm 2 là những người lo sợ làn sóng khủng hoảng sẽ xảy ra. Và nhóm 3 gồm những người nhìn thấy cơ hội vàng, cánh cửa cho phép thương hiệu của họ mở ra một mối quan hệ mới với khách hàng trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau.
Niềm tin trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng phải được tự tạo nên. Quá trình xây dựng niềm tin cần nhiều thời gian. Một số người tiêu dùng không dễ dàng thu phục lòng tin của họ trong thời gian ngắn. Một số người có thể tin ngay từ lần gặp đầu. Nhưng khi lòng tin bị mất, thương hiệu sẽ mất tất cả vì mọi thứ sẽ đổ sụp một cách dễ dàng.
Những tin tức gần đây đều khẳng định rằng niềm tin của công chúng vào các phương tiện truyền thông truyền thông và kỹ thuật số ngày càng xuống thấp trong các tổ chức chính phủ và các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Một công ty nghiên cứu thị trường đã làm một cuộc khảo sát gần đây đối với trên 2,000 người trưởng thành ở Anh về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân (xem hình 2). Khi được hỏi “anh/ chị tin tưởng tổ chức nào nhất khi cung cấp dữ liệu cá nhân”, chỉ 11% cho rằng họ có thể tin các mạng xã hội, 10% tin các thương hiệu và một con số thấp tuyệt đối 2% tin vào các công ty marketing và quảng cáo.
Mặc dù nghiên cứu này chỉ giới hạn ở Anh, nhưng những con số trên cũng phản ánh hiện thực khắp nơi trên toàn cầu. Người tiêu dùng không tin tưởng thương hiệu khi đưa những dữ liệu cá nhân. Điều này tạo tiền đề cho luật bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng (GDPR) ra đời. Đây là một cơ hội quí giá để các thương hiệu có một bước cơ bản và cần thiết trong việc giành lại niềm tin với người tiêu dùng, trong khi cung cấp một lý do chính đáng cho việc nắm rõ thông tin cá nhân. Việc này sẽ mất nhiều thời gian nhưng rất cần thiết, bởi khi thương hiệu gầy dựng lại được, niềm tin sẽ vững hơn rất nhiều.
Luật GDPR là luật mới tại châu Âu hướng dẫn cách thức các doanh nghiệp quản lý và điều phối dữ liệu của nhân viên và khách hàng của họ.
Nói một cách đơn giản nhất, luật mới này sẽ đưa thêm quyền cho tất cả các công dân ở châu Âu về việc kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ và gia tăng trách nhiệm đối với tất cả các doanh nghiệp thu thập hoặc sử dụng dữ liệu của các công dân từ khu vực này, ngay cả khi công ty này không đặt trụ sở tại châu Âu.
Chỉ tính riêng năm 2016, tổng mậu dịch với châu Âu từ 210 nước không thuộc khối này lên đến 3,456 tỉ euro, trong đó Mỹ chiếm 17.8% và Trung quốc chiếm 14.9%. Điều này có nghĩa là luật sẽ tác động đáng kể đến các doanh nghiệp nhắm đến thị trường châu Âu và sẽ thay đổi công nghiệp quảng cáo kỹ thuật số trên toàn thế giới.
Dưới đây là một số cơ hội các doanh nghiệp có thể nắm bắt khi luật GDPR có hiệu lực:
- Nâng cao chất lượng dữ liệu
Luật GDPR yêu cầu doanh nghiệp nắm giữ dữ liệu phải thường xuyên kiểm tra và xóa bớt dữ liệu không cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo rằng chỉ có dữ liệu quan trọng được lưu giữ và có thể cho một giá trị nhất định. Một chiến lược hiệu quả dựa vào chất lượng (không phải số lượng) những dữ liệu cá nhân có thể đưa ra những hiệu quả về mặt doanh số.
- Nền tảng dữ liệu đơn giản
Có một thực tế xảy ra tại các doanh nghiệp là dữ liệu khách hàng được lưu trữ ở nhiều bộ phận khác nhau, có thể được sắp xếp thứ tự hoặc không. Luật GDPR yêu cầu một nền tảng dữ liệu đơn giản để chứa những thông tin trên. Công nghệ hiện nay cho phép hệ thống hóa dữ liệu một cách bài bản hơn giúp doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn, tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Đôi khi nhờ luật này mà doanh nghiệp có thể khám phá nhưng dữ liệu có từ lâu mà không khai thác triệt để.
- Minh bạch về dữ liệu là một lợi thế cạnh tranh
Các thương hiệu cần minh bạch việc họ thu thập thông tin, lưu trữ và xử lý dữ liệu và minh họa cách họ đạt chuẩn GDPR như thế nào dựa trên yếu tố đồng thuận và bảo vệ thông tin cá nhân. Những doanh nghiệp đi đầu trong việc này (thay vì chỉ làm ở mức tối thiểu) sẽ có lợi thế cạnh tranh; bởi vì khách hàng sẽ chọn những thương hiệu không mang đến phiền phức và làm cuộc sống họ dễ dàng hơn
- Việc xử lý dữ liệu
Để đảm bảo đạt chuẩn, doanh nghiệp sẽ cần phải xem lại những thông tin hiện có và cách xử lý thông tin. Điều này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phân tích dữ liệu một cách hiệu quả và là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu.
- Gia tăng việc bảo vệ dữ liệu
Khoảng 85% người trưởng thành ở Anh khẳng định rằng họ sẽ không khoan nhượng khi một công ty không bảo vệ dữ liệu cá nhân của họ. 61% người cho rằng có ít nhất một thương hiệu vi phạm luật này; 66% bày tỏ việc sẵn sàng tẩy chay sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty nếu họ bán thông tin khách hàng cho bên thứ 3; và 74% cho rằng họ sẽ kiện doanh nghiệp nếu họ để lộ thông tin mặc dù họ không trực tiếp sử dụng trái phép. Tất cả những việc này sẽ làm hại đến danh tiếng của thương hiệu. Luật GDPR cũng gia tăng mức độ về an toàn của dữ liệu. Điều này tạo ảnh hưởng tốt cho khách hàng của doanh nghiệp vì doanh nghiệp có thể cho thấy họ cố gắng bảo về dữ liệu cá nhân của khách hàng như thế nào.
- Tương tác với khách hàng tốt hơn
Sau khi luật GDPR đi vào hiệu lực, người tiêu dùng sẽ có lựa chọn đưa thông tin cho doanh nghiệp hay không. Điều này có nghĩa là chỉ có những người thật sự muốn tương tác với thương hiệu mới đưa thông tin để doanh nghiệp có thể hiểu họ tốt hơn. Người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn là nên đưa dữ liệu cá nhân cho ai, khi nào, bằng cách nào và trong dịp gì. Điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho những thương hiệu có kế hoạch tương tác với khách hàng tốt hơn.
Với những cơ hội trên, luật GDPR không phải là mối lo như các doanh nghiệp hay nghĩ. Đó là một cơ hội, một chất xúc tác để môi trường kinh doanh thay đổi tốt hơn. Nếu doanh nghiệp cân nhắc sáu cơ hội trên, bao gồm việc nâng cao chất lượng dữ liệu, tạo nền tảng đơn giản hơn, thu thập thông tin minh bạch hơn, xử lý dữ liệu và bảo vệ dữ liệu tốt hơn và tương tác với khách hàng tốt hơn, thì doanh nghiệp sẽ có một đoạn đường dài trong việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
*Trang thông tin này được thực hiện với sự cộng tác của Ogilvy Việt Nam