Khống chế tỷ lệ lãi vay có thể làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
- 09/05/2017
Nghị định 20 về quản lý thuế nhằm ngăn chặn chuyển giá do Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 5 được đánh giá sẽ “điểm huyệt” nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn thua lỗ triền miên, nhưng gây ảnh hưởng cả cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, quy định tổng chi phí lãi vay không quá 20% tổng lợi nhuận thuần trong Nghị định 20 đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Còn theo các chuyên gia, quy định này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.
“Siết” doanh thu 200 tỉ đồng trở lên
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho thấy, đến cuối năm 2016, cả nước có 22.509 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 293 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt hơn 154 tỉ USD. Khu vực FDI đã đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 58,8%; kế đến là kinh doanh bất động sản với 17,7% vốn đăng ký. Tuy nhiên, trong 3 loại hình doanh nghiệp (DN) hoạt động, khối DN FDI có tỷ lệ thua lỗ luôn cao nhất, có thời điểm lên đến 51% vào năm 2008, trong 3 năm 2012 – 2014 ở mức 48%. Dù thua lỗ liên tục, nhưng nhiều DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, Nghị định 20 về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) là cột mốc lớn trong ngăn chặn chuyển giá. Có những quy định mới tham khảo và tiệm cận hơn với các chương trình hành động chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nên có nhiều điểm chính xác, rõ ràng và chặt chẽ hơn quy định trước đây. Chẳng hạn, hồ sơ xác định giá GDLK đòi hỏi chi tiết hơn: bao gồm hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu, hồ sơ quốc gia cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động và các giao dịch tại từng quốc gia tương ứng, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao, trong đó bao gồm các thông tin liên quan đến lợi nhuận, số thuế phải nộp của các tập đoàn đa quốc gia cùng với một số chỉ số liên quan đến hoạt động kinh tế của tập đoàn. Trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao tại VN có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỉ đồng trở lên, tương đương 800 triệu USD, phải có trách nhiệm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Ngoài ra, ngưỡng xác định mối quan hệ liên kết cũng được sửa đổi. Ví dụ, tỷ lệ góp vốn trực tiếp và gián tiếp tăng từ 20 lên 25%, tỷ lệ nợ trên vốn góp chủ sở hữu trong trường hợp bảo lãnh từ tập đoàn tăng từ 20 lên 25%. Chẳng hạn, một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN kia; hay cả 2 DN đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp, sẽ được coi là các bên liên kết.
Như vậy, Nghị định 20 không những “điểm trúng huyệt” nhiều DN FDI thua lỗ triền miên hàng chục năm nhưng luôn đầu tư mở rộng sản xuất, cũng như hướng đến quản lý thuế hiệu quả hơn trên diện rộng các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại VN, DN Việt đầu tư ra nước ngoài; mà còn sẽ có ảnh hưởng lớn và bao trùm đến nhiều DN cung cấp dịch vụ cho các DN. Chẳng hạn, những đối tượng được miễn lập hồ sơ xác định giá GDLK là DN có quy mô nhỏ, có phát sinh GDLK nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỉ đồng, tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỉ đồng; DN đã có ký kết thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA); DN có doanh thu dưới 200 tỉ đồng… Tuy được miễn lập hồ sơ xác định giá GDLK nhưng DN vẫn có nghĩa vụ kê khai xác định giá GDLK theo quy định. Như vậy, những DN có doanh thu từ 200 tỉ đồng trở lên đều nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế thời gian tới.
Ngày 24.2.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20 quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá GDLK; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của GDLK và kê khai nộp thuế.
GDLK là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính…; mua, bán, thuê, mượn, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp tác khai thác sử dụng nhân lực, chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.
Người nộp thuế có GDLK phải thực hiện kê khai các GDLK; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các GDLK tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
Nghị định 20 đã đưa ra một số thay đổi lớn so với quy định hiện hành liên quan đến việc kê khai, xác định giá GDLK tại VN, bao gồm chuẩn bị hồ sơ kê khai xác định giá GDLK theo ba cấp, các mẫu tờ khai GDLK mới, hướng dẫn về khấu trừ chi phí phát sinh từ GDLK và chi phí lãi vay.
Chi phí lãi vay bị áp trần
Mục tiêu chống chuyển giá là việc phải làm nhưng theo nhiều DN một số quy định còn bất cập. Chẳng hạn tại điểm 3 điều 8 của nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của DN”. Đại diện một DN tại TP.HCM phân tích, quy định chưa rõ ràng về định nghĩa chi phí lãi vay. Đó là lãi đi vay thuần túy hay bao gồm cả lãi trả chậm, lãi góp? Phạm vi ngưỡng 20% chỉ áp dụng với các khoản vay từ bên liên kết hay cả khoản vay từ bên độc lập?… Đặc biệt, việc khống chế tỷ lệ chi phí đi vay ở mức 20% có thể gây khó khăn lớn cho một bộ phận DN, nhất là một số ngành nghề như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bán lẻ cần đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi lớn và rộng để chiếm lĩnh thị phần… Đây là những ngành cần nguồn vốn đầu tư lớn và DN sẽ phải đi vay nên chi phí lãi là rất lớn.
Hơn nữa, với những DN mới thành lập rất khó tiếp cận vốn ngân hàng nên trong thời gian đầu tư sẽ phải dùng nhiều vốn vay từ công ty mẹ và các công ty khác trong tập đoàn. Hay đối với bất động sản là ngành đặc thù, đã có quy định tỷ lệ 20% vốn tự có và 80% vốn vay cho một dự án. Với mức vay theo quy định này thì chi phí lãi vay cũng có thể bị vượt trần 20%….
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, đặt vấn đề mỗi DN có nhiều nguồn vay từ ngân hàng, các quỹ tài chính, vay công ty mẹ…, nên chi phí nào rõ ràng thì được hạch toán theo quy định. Hơn nữa, quy định hiện nay không khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế ở mức 20%. Chống chuyển giá DN FDI có thể có nhiều cách, nhưng quy định này sẽ làm khó các DN cung cấp dịch vụ cho DN FDI.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các DN đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Đặc biệt, trong khi DN nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết DN trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 – 80%. Thậm chí nếu có dự án khả thi với khả năng sinh lời cao thì ngân hàng có thể cho vay lên đến gần 100% cũng là bình thường. Vì vậy, quy định này sẽ khiến DN mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất.
Theo tính toán của một chuyên gia tài chính, nếu muốn chống chuyển giá từ DN nước ngoài, một trong những cách là có thể điều chỉnh thuế nhà thầu bằng cách tăng thuế nhà thầu từ mức 5% lên 10%, bởi đây là loại thuế đang được áp dụng cho nhiều DN FDI.
Không dám mở rộng quy mô
Thống kê 689 DN đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ có khoảng 150 công ty có giá trị vốn hóa thị trường từ mức 500 tỉ đồng, có doanh thu từ 200 tỉ đồng và lợi nhuận ròng ở mức từ 20 tỉ đồng trở lên. Con số này chỉ chiếm tỷ lệ 0,03% so với 500.000 DN đang hoạt động. Số lượng DN lớn trên còn quá ít ỏi nên quy định khống chế chi phí lãi vay nhằm ngăn chặn chuyển giá có thể khiến “quýt làm cam chịu”, không khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế trong nước, không khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh trong nước.
Ông Đặng Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Chợ xe kiểu Mỹ, người có gần 20 năm hoạt động quản lý trong lĩnh vực tài chính cho rằng, việc chống chuyển giá là nhằm áp dụng với khối doanh nghiệp (DN) nước ngoài do có quy định chênh lệch thuế giữa các quốc gia. VN chỉ có một mặt bằng thuế chung nên khó có nguy cơ chuyển giá. DN tư nhân VN thường phát triển theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty mẹ sẽ đảm nhận vai trò đi huy động vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính bên ngoài để cho các công ty con vay lại vì các tổ chức tài chính thường nhìn vào tiềm lực của công ty mẹ để cho vay. Nếu khống chế tỷ lệ lãi vay phát sinh không quá 20% khiến một khoản chi phí lãi vay có thể không được tính đủ vào chi phí tính thuế, khiến chi phí vốn của DN tăng thêm. “Việc siết chặt các điều kiện đi hơi sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, tác động trực tiếp vào chi phí kinh doanh khiến DN khó hơn. Việc siết chặt chi phí vốn trên từng giao dịch cụ thể sẽ làm giảm sức mạnh cũng như khả năng tăng lợi nhuận dài hạn của các DN. Thậm chí nó cản trở việc đầu tư mở rộng nếu vay phát sinh bên ngoài”, ông Hiệp nói.
Giám đốc một DN sản xuất hàng nông sản tại Đồng Nai băn khoăn, mặc dù đã đọc đi đọc lại các quy định trong Nghị định (NĐ) 20 nhưng ông vẫn không hiểu rõ. Chi phí lãi vay được quy định ở đây có được cấn trừ với thu nhập cho vay hay không? Bởi thường công ty mẹ sẽ có cả hoạt động cho vay nên có thu nhập cho vay và đồng thời có chi phí lãi vay. Vị này lo lắng, hiện công ty muốn thành lập công ty con để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhưng nguồn vốn đầu tư ban đầu cần phải đi vay chiếm đến 80% tổng vốn dự án. Việc đi vay chủ yếu là công ty mẹ thực hiện và sau đó cho công ty con vay lại vì công ty mẹ mới đủ uy tín và quan hệ. Khi đó, chi phí lãi vay của công ty mẹ sẽ rất cao. Nếu khống chế 20% như quy định thì phải tính toán lại. Có thể không vay, không làm nữa.
TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định: Phạm vi đối tượng áp dụng của NĐ20 khá rộng nhưng quy định về tổng chi phí lãi vay phát sinh không quá 20% lại chưa xác định rõ là từ nguồn vay nào. Hơn nữa, trên thực tế chi phí lãi vay cũng đều tính trên chi phí lãi vay ròng (là chi phí lãi vay sau khi trừ đi thu nhập từ hoạt động cho vay) nhưng quy định cũng không đề cập đến. “Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn rõ ràng cụ thể hơn và ban hành sớm về các quy định chưa cụ thể trước khi đưa quy định vào áp dụng để DN yên tâm”, TS Tín nói.
Doanh nghiệp nội thiệt thòi
Theo thạc sĩ Bạch Phạm Đăng Huy, Công ty luật Nguyễn Huỳnh và Cộng sự, nhiều quy định những tưởng là công cụ để quản lý thuế, chống chuyển giá của khối đầu tư nước ngoài nhưng áp dụng máy móc lại gây bất lợi cho DN trong nước. Việc khống chế chi phí lãi vay 20% cũng tương tự như quy định áp trần quảng cáo khuyến mãi không quá 15% tổng chi của DN trước đây. “Đây là vấn đề đáng lo ngại cho nền kinh tế đang chập chững có vài ba tập đoàn kinh tế tư nhân đang được hình thành”, thạc sĩ Huy nói và lấy ví dụ, một tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ kinh doanh nhiều ngành hàng thường có những bộ phận kinh doanh khác nhau. Luật kế toán của Mỹ có hướng dẫn riêng về quản lý ngân sách của tập đoàn, cho phép bộ phận quản lý ngân sách quản lý dòng tiền vào ra của tập đoàn như một tổ chức tín dụng. Khi có nhu cầu thanh toán cho một nhà cung cấp nào đó, bộ phận kinh doanh sẽ đi vay lại từ tổ chức tín dụng của tập đoàn. Mọi hoạt động này đều được tính lãi nhưng không thực hiện hợp đồng lãi vay. Chuyển giá chính là ở điểm này, chúng ta không thể “bắt quả tang” được bởi luật của họ cho phép. Ngay cả khi khống chế chi phí lãi vay 20% như NĐ20 thì khoản này vẫn “lọt lưới”.
Bà Huy đề nghị: “Do quy định kế toán giữa VN và các nước có chênh nhau nên cần có quy định hỗ trợ cho DN trong nước. Luật về thuế không chi phối được những luật về chuyên ngành. Các khoản vay từ các tổ chức nước ngoài thường được đăng ký và do Ngân hàng Nhà nước quản lý, nhưng khoản tín dụng phát sinh trong nước, ngân hàng phải có hướng dẫn nhằm tạo “lối thoát”, tránh thiệt thòi cho DN Việt. Cần cân nhắc, không ép quá trong mức khống chế 20% này. Bởi cách chúng ra quản lý chống chuyển giá còn nhiều công cụ, không chỉ quy định lãi phát sinh không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần là đã giải quyết được vấn đề”, bà Huy đề xuất.
Phân tích thêm về tác động của NĐ20, TS Bùi Quang Tín cho rằng quy định về tổng chi phí lãi vay sẽ là điều kiện không khuyến khích phát triển mô hình công ty mẹ – con, mô hình tập đoàn đối với các DN trong nước. Trong khi VN đang cần những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế thị trường thì quy định này vô hình lại siết quá chặt hoạt động của DN, đi ngược với xu hướng phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân của VN.
TS Bùi Quang Tín nhận định thời gian có hiệu lực của NĐ20 hơi gấp. Vì vậy nên xem xét lại và cho phép DN tính trên chi phí lãi vay ròng và có đủ thời gian sắp xếp lại nguồn vay.
Tổng hợp từ Thanhnien.vn