Hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản
- 30/07/2018
Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực thể tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các nhà sản xuất Nhật Bản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI –HCM) phối hợp với Trung tâm Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản tổ chức, ngày 27/7.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI –HCM cho biết, từ năm 2017 Nhật Bản đã quay lại trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với 9,11 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Nhật Bản đã rót gần 6,5 tỷ USD vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, chiếm gần 32% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM phát biểu tại hội thảo.
Xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hàng năm. Hơn nữa, uy tín của các doanh nghiệp Nhật Bản đã được chứng thực qua nhiều năm Việt Nam – Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Những yếu tố trên tạo ra nhiều cơ hội hợp tác có tính khả thi và hiệu quả cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Tsuyoshi SHIMIZU – chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cố vấn Tập đoàn Panasonic Excel International thông tin, hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam; trong đó, có tới gần 70% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư, kinh doanh trong khoảng 1-2 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tìm kiếm đối tác của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang tăng lên và đó chính là cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Lý do mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh xuất phát từ dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực, làm tăng khả năng nâng cao doanh thu, mức tăng trưởng của doanh nghiệp. Các lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng là thương mại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản xuất hàng tiêu dùng – ông Tsuyoshi SHIMIZU chia sẻ.
Mặc dù nhu cầu hợp tác rất lớn, các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản cũng mong muốn mua được nhiều nguyên liệu, linh kiện nội địa của Việt Nam nhưng hiện nay năng lực cung ứng và chất lượng nhân sự, hàng hóa của Việt Nam là hai vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ, họ ưu tiên việc thu mua nguyên liệu, linh kiện và sử dụng nhân công tại Việt Nam vì đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để cắt giảm giá thành và rút ngắn thời gian giao hàng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Tại Việt Nam, ảnh hưởng của chi phí nhân công không quá lớn nhưng việc cắt giảm chi phí nguyên vật liệu là khó khăn lớn.
Toàn cảnh hội thảo.
Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản chỉ mua được khoảng 1/3 số nguyên vật liệu tại Việt Nam, nhưng chủ yếu cũng là của doanh nghiệp Nhật hoặc các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn tỷ lệ nguyên liệu, linh kiện được sản xuất bởi doanh nghiệp thuần Việt còn thấp hơn rất nhiều. Theo quan điểm mua hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản, giá rẻ không phải ưu tiên lớn nhất, thay vào đó tỷ lệ hàng đạt chất lượng 100% là điều kiện hàng đầu. Bên cạnh đó, việc tuân thủ kỳ hạn giao hàng, tính minh bạch trong các quan hệ hợp tác là rất quan trọng.
Trong xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, ngoài thương mại thì sản xuất là lĩnh vực được ưu tiên. Do đó, muốn nâng cao cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Nhật Bản, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc có đủ năng lực đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín để hợp tác bền vững. Một số sản phẩm như thép, đồng, nhôm, nhựa nguyên liệu; máy móc gia công tạo hình, dập, đúc, xử lý bề mặt, linh kiện điện tử… là những mặt hàng mà Việt Nam nên đầu tư sản xuất trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng thẳng thắn chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản nên có chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Bởi các doanh nghiệp Nhật Bản rất thận trọng trong việc tiếp nhận nhà cung ứng mới nhưng khi đã tạo được sự tin tưởng họ sẽ hợp tác lâu dài và tạo điều kiện để đối tác phát triển.
Theo Báo Tin Tức.