Hơn 93% doanh nghiệp được gia hạn thuế
- 12/03/2020
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo chiều 11-3 về dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp dịch COVID-19 của Bộ Tài chính.
DN nhỏ được hỗ trợ bất kể ngành nghề
Ông Phạm Đình Thi – vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính – khẳng định để tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 5 tháng nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 3, 4, 5 và 6-2020 cho DN, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch COVID-19 thuộc một số ngành nghề. Tiền thuê đất của các đối tượng này cũng được đề nghị gia hạn 5 tháng.
Ông Thi cho biết danh mục ngành nghề được hỗ trợ được xác định theo quyết định 27/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế. Chiếu theo quyết định này thì ngành sản xuất chế biến thực phẩm gồm: chế biến bảo quản thịt, sản phẩm từ thịt… đều được gia hạn.
Những DN, tổ chức kinh tế kinh doanh đa ngành nghề, có thể gồm cả bất động sản liệu có được hưởng chính sách hỗ trợ này hay không? Trả lời Tuổi Trẻ, ông Thi khẳng định chỉ cần hoạt động một trong những lĩnh vực thuộc các ngành trong diện hỗ trợ thì DN sẽ được chậm nộp 5 tháng toàn bộ tiền thuế GTGT phát sinh của các tháng từ 3 đến 6.
Riêng DN nhỏ và siêu nhỏ, ông Thi cho hay Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho gia hạn tiền thuế GTGT mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh. Theo số liệu của ngành thuế, 93% số DN đang kê khai và nộp thuế của cả nước có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, sẽ có hơn 93% DN của cả nước được chậm nộp thuế GTGT.
“Ngay trong tháng 3 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định trên và đề xuất nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký” – ông Thi nói.
Chỉ cần gửi đề nghị là được gia hạn
Về thủ tục gia hạn thuế GTGT, theo ông Thi, nghị định sẽ quy định DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ cần gửi giấy gia hạn qua đường điện tử với tiền thuế GTGT phát sinh trong các tháng trên cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
“Không phải kê khai thiệt hại gì mà chỉ cần thấy có ngành kinh doanh thuộc đối tượng được gia hạn thì kê khai chậm nộp tiền thuế. Còn DN nhỏ và siêu nhỏ dù mức thiệt hại ít hay nhiều, không phân biệt ngành nghề, đều được hưởng chính sách này” – ông Thi khẳng định.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Lưu Đức Huy – vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế – cho rằng nghị định khi được ban hành có thủ tục đơn giản, khác hoàn toàn với chính sách gia hạn hiện nay là người kinh doanh phải làm đơn đề nghị được gia hạn tiền thuế, rồi chứng minh thiệt hại về vật chất và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận…
Ông thừa nhận dịch bệnh gây ra làm đình trệ hoạt động sản xuất, doanh thu kinh doanh sụt giảm mạnh nên việc chứng minh về thiệt hại vật chất là rất khó.
Nên giãn cả thuế thu nhập DN
Về sắc thuế đề xuất giãn là thuế GTGT, theo ông Trần Xoa – giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, DN phải bán được hàng mới phát sinh thuế. Trong khi hai tháng xảy ra dịch thì hàng hóa, dịch vụ ít bán được lấy đâu thuế GTGT mà giãn.
DN doanh thu kém nhưng chi phí vẫn phải gánh tiền thuê trụ sở, tiền lương… “Do vậy đề xuất giãn nợ thuế GTGT 5 tháng trên thực tế không giúp nhiều cho DN” – ông Xoa nói.
Cùng quan điểm với một số chuyên gia, ông Nguyễn Đức Nghĩa (chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM) đề nghị nên giãn khoản thuế thu nhập DN mà DN còn phải nộp của năm 2019.
Như vậy sẽ có tác động tức thì, giúp DN có dòng tiền để xoay xở làm ăn, khắc phục khó khăn. Qua đó chính sách mới có thể đi ngay vào cuộc sống theo đúng nghĩa tháo gỡ khó khăn.
Các ngành nghề kinh tế được gia hạn nộp thuế
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); vận tải đường sắt; vận tải đường bộ; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…
Nguồn: Bộ Tài chính