[vccitranslate]

Hơn 700 doanh nghiệp, hiệp hội tại phía Nam tham dự đối thoại về thuế, hải quan

Ngày 15/12 vừa qua, tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023. Số lượng doanh nghiệp tham dự năm nay đông kỷ lục: Hơn 700 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại phía Nam.

Đến tham dự và chủ trì hội nghị có Ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính; Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI; Ông Mai Sơn Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám Sát – Chính sách Thuế, cùng đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan.

Hơn 700 DN, HH phía Nam tham dự đối thoại về thuế, hải quan

Một năm nhiều khó khăn, vướng mắc

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, Hội nghị đối thoại hôm nay được Bộ Tài chính và VCCI triển khai theo cơ chế thường niên để hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cảm ơn và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính, ngành thuế và ngành hải quan trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua.

Theo ông Thành, nhiều hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ trong lĩnh vực thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan. 

Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị ngày hôm nay, VCCI đã có văn bản gửi lấy ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp. Các ý kiến, câu hỏi về quy trình thủ tục cụ thể, chúng tôi đã chuyển sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để xem xét trả lời trong tài liệu của hội nghị và sẽ tiếp tục thông tin tiếp cho các doanh nghiệp trong thời gian tới đối với các nội dung cần rà soát, xem xét thêm.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, phát biểu khai mạc

Ông Thành cũng cho biết, trong lĩnh vực thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, về hóa đơn điện tử, về quy định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, vấn đề đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp khi xử lý chậm nộp thuế, một số quy định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp, không theo từng công trình…

Đối với lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, về cơ chế hoàn thuế Giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất.

Nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ…dẫn đến suy giảm kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, an ninh năng lượng ngày càng gia tăng. Đối với tình hình kinh tế trong nước, ông Cao Anh Tuấn cho rằng, môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp gia hạn miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như: gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng với nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tổng quy mô các gói giải pháp hỗ trợ trong năm 2020 là 129.000 tỷ đồng, năm 2021 là 145.000 tỷ đồng, năm 2022 là 233.000 tỷ đồng và năm 2023 là 196.000 tỷ đồng.

“Mặc dù năm 2023 còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh  nhân cùng sự triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trước hết là tăng trưởng kinh tế tăng dần, với quý sau luôn cao hơn quý trước. Ước tính cả năm, tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ.

Để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính, kết hợp với hiện đại hóa các lĩnh vực quản lý, đặc biệt là lĩnh vực thuế, Hải quan, triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Doanh nghiệp trông chờ vào các giải pháp

Buổi đối thoại kéo dài tới quá trưa với nhiều ý kiến, vướng mắc, về thuế, hải quan được nêu ra. 

Sự việc chưa rõ đã bị “bêu tên” nợ thuế

Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty cổ phần in tổng hợp Cần Thơ bức xúc vì quyết định truy thu thuế của Cục Thuế TP Cần Thơ, trong khi công ty cho rằng mình không liên quan đến khoản tiền này. Cục Thuế Cần Thơ ra quyết định hủy bỏ chính sách miễn thuế trước đây, đưa Công ty này vào danh sách doanh nghiệp nợ thuế, đăng công khai trên website.

Các doanh nghiệp phát biểu, đặt câu hỏi tại hội nghị  

“Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc đưa tên chúng tôi vào danh sách nợ thuế, gây rất nhiều khó khăn, công ty cũng không thể tham gia đấu thầu được. Như vậy là quá đáng, áp đặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Năm qua chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lại gặp thêm chuyện này nữa”, đại diện công ty nói.

Trả lời doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn “chia sẻ với bức xúc của công ty” và cho biết Cục Thuế Cần Thơ thực hiện theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5. Cục Thuế Cần Thơ đã chuyển kiến nghị của Công ty về việc công ty đã nộp cổ tức giai đoạn 2011-2014 và đề nghị UBND TP Cần Thơ có ý kiến chỉ đạo.

UBND TP Cần Thơ cũng đã gửi công văn cho Kiểm toán Nhà nước khu vực 5, đề nghị không truy thu tiền sử dụng đất năm 2011-2014. Trả lời lại, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 cho rằng việc này là do cơ quan có thẩm quyền của TP Cần Thơ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật… “Hiện nay, các cơ quan địa phương đang rà soát để thực hiện chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết.

Các doanh nghiệp phát biểu, đặt câu hỏi tại hội nghị  

Vì sao người bán vi phạm nhưng người mua phải chịu?

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi có ý kiến về việc thời gian qua công ty nhận được rất nhiều thông báo từ cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn từ các doanh nghiệp ngừng kinh doanh, bỏ trốn. Thực tế, khi doanh nghiệp mua hàng, nhận được hóa đơn có tiến hành tra cứu thông tin các doanh nghiệp này trên web của Tổng cục Thuế cũng như Bộ KH-ĐT thì tại thời điểm đó, hóa đơn của họ vẫn hợp lệ. Nhưng sau đó các doanh nghiệp bỏ trốn, dẫn đến cơ quan thuế thông báo doanh nghiệp giải trình, điều chỉnh giảm khấu trừ từ các hóa đơn này.

Công ty đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có cơ chế quản lý hiệu quả hơn, tránh việc người bán vi phạm mà người mua phải chịu.

Ông Mai Sơn giải thích về việc sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế đang tiếp tục đẩy mạnh hóa đơn điện tử. Lãnh đạo Tổng cục Thuế đang rà soát sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ. Đồng thời việc thực hiện Đề án 06 về định danh công dân cũng giúp ích cho công tác quản lý về hóa đơn. Ông cũng chia sẻ thêm, hiện nay cơ quan thuế không có chức năng điều tra. Do vậy với các trường hợp doanh nghiệp khẳng định thực hiện đúng, ngành thuế phải phối hợp công an xác minh giao dịch cụ thể là có thật hay không.

3 năm chưa xây dựng xong Nghị định về kiểm tra chuyên ngành

Một số công ty đặt vấn đề về kiểm tra chuyên ngành. Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai) kiến nghị ngành hải quan thời gian tới tiếp tục cải thiện, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành. Bởi năm qua tình hình khó khăn, có thời điểm doanh nghiệp giảm đơn hàng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng hoãn, hủy đơn hàng khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn.

Các doanh nghiệp phát biểu, đặt câu hỏi tại hội nghị  

Đại diện Công ty AK VINA Đồng Nai cũng đặt câu hỏi về tỷ lệ hàng hóa kiểm tra hải quan: “Chẳng hạn công ty có lô hàng 10 container, nếu soi chiếu toàn bộ thì chi phí rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi năm qua tình hình kinh tế không được tốt. Hiện nay công ty mỗi tháng phải soi chiếu hàng 2-3 lần, mỗi lần nhiều container, làm tăng chi phí rất lớn doanh nghiệp”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đây là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Ngay từ năm 2019-2020, Thủ tướng có giao cho VCCI cùng Tổng cục hải quan tiến hành đo sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có kiểm tra chuyên ngành. Khi đó ngành đã nhìn nhận thấy 7 vấn đề trong kiểm tra chuyên ngành.

Đó là, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhiều. Thậm chí 1 mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành nhiều nội dung khác nhau. Chưa có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành mà được cụ thể hóa, có mã số cụ thể. Kiểm tra chuyên ngành mà chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó, gây vướng mắc cho cơ quan thực hiện. Nhiều văn bản chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành. Trình tự thủ tục rất phức tạp, gây thêm chi phí cho doanh nghiệp…

“Chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành về các vướng mắc rất cụ thể. Tới đây sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề gồm Tổng cục Hải quan, VCCI và các hiệp hội chuyên ngành, đi sâu vào từng bộ ngành để kiến nghị đề xuất với Chính phủ”, ông Hoàng Việt Cường nói và cho biết, ngành hải quan được giao xây dựng Nghị định về kiểm tra chuyên ngành, nhưng gần 3 năm rồi chưa ra được nghị định, chỉ vì ý kiến của Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan với các bộ ngành hiện chưa nhất quán nên chưa ban hành được.

Nói về việc soi chiếu hải quan, ông Hoàng Việt Cường cho hay, cơ quan hải quan dựa vào hệ thống đánh giá rủi ro trong tuân thủ pháp luật. 211.000 doanh nghiệp được hệ thống này phân chia ra 5 mức (doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ cao, trung bình, thấp, không tuân thủ) và 9 hạng khác nhau. Từ đó phân luồng hàng hóa thành xanh, vàng và đỏ.

Các doanh nghiệp phát biểu, đặt câu hỏi tại hội nghị  

Trong năm 2023, ngành hải quan đã phấn đấu đạt chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hải quan, giảm mức độ kiểm tra. Theo đó, tỷ lệ luồng đỏ hiện chỉ 3,84% thay vì 4,2% như những năm trước. Luồng vàng 29,82% trong khi trước đây là 30-33%. Luồng xanh trước đây là chừng 60%, nay là 66,3%.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, tới đây sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ và tăng luồng xanh. Ngành hải quan vừa có thí điểm chương trình khuyến khích tuân thủ pháp luật tự nguyện cho 127 doanh nghiệp, giúp luồng xanh tăng lên, giảm 4% luồng vàng, sắp tới sẽ mở rộng việc thí điểm này. Ông đề nghị Công ty AK VINA đăng ký tham gia chương trình để được tạo điều kiện tối đa trong thông quan hàng hóa.

Gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nên doanh nghiệp rất trông chờ vào các giải pháp tháo gỡ của Bộ Tài chính trong thời gian tới. 

Ngay tại buổi đối thoại, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý Giám Sát chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đã giải thích, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Đối với những vấn đề cần rà soát và tra xét thêm, các đơn vị cũng cho biết sẽ tiếp tục thông tin tiếp cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nguồn: Tổng hợp từ Báo SGGP, DĐDN, Trung tâm Thông tin VCCI-HCM

  • Sự kiện
  • Đào tạo