Hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”
- 13/05/2017
Sáng ngày 12/05/2017, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Tp.HCM VCCI phối hợp cùng Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi)” với sự tham gia của các đại biểu là cán bộ sở ban ngành, đặc biệc có các tham luận đến từ phía doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh- Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Nguồn: TTWTO.
Mở đầu buổi Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương đã có những phát biểu đầu tiên về những sửa đổi của hội đồng soạn thảo đối với Luật cạnh tranh. Ông Tuấn khuyến khích các bên tham luận đóng góp những ý kiến, bình luận, quan điểm thẳng thắn để hoàn thiện bộ Luật cạnh tranh, hướng đến những tiêu chí công bằng, minh bạch vì lợi ích chung cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật Cạnh tranh vào ngày 03 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2005. Qua đó Luật cạnh tranh được ban hành với mục đích ổn định nền kinh tế, bảo vệ tính cạnh tranh của thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế tồn tại khá nhiều bất cập, quy mô và năng lực giữa các doanh nghiệp còn chênh lệch, nhà nước đã và đang phải sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc kiểm soát các doanh nghiệp độc quyền hoặc có vị trí thống lĩnh thị trường để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Những biện pháp này được thể hiện rất rõ ràng thông qua bộ Luật được Quốc hội ban hành.
Tuy nhiên, kể từ khi được thực thi năm 2005 đến nay, một số nội dung của Luật Cạnh tranh dường như không còn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Cụ thể, các quy định hiện hành của luật Cạnh tranh còn mang tính chất mô tả và chưa thể hiện được bản chất thực tế của hành vi cũng như việc bị bỏ lại phía sau trước sự xoay chuyển của thị trường.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, bà Trần Ngọc Lan – Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh đã tổng kết lại kết quả thi hành của Luật Cạnh tranh 2004. Bà cũng đã trình bày chi tiết những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Trong đó, Cục Quản lý Cạnh tranh đã đưa ra nội dung sửa chữa, bổ sung ở bảy nhóm vấn đề:
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh
- Mở rộng đối tượng áp dụng
- Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá sức mạnh thị trường
- Sửa đổi quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
- Thay đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế
- Sửa đổi quy định về cạnh tranh không lành mạnh
- Hoàn thiện mô hình và nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh
Bà Trần Ngọc Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung ở vấn đề hoàn thiện mô hình và nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan chức năng. Bà Ngọc Lan cho biết: “Việt Nam là quốc gia duy nhất tồn tại hai cơ quan về cạnh tranh là Hội đồng Cạnh tranh và Cục quản lý Cạnh tranh. Do đó, không tránh khỏi trường hợp vấp phải sự bất đồng và không đạt đến những quan điểm chung trong giải quyết một số vấn đề. Từ đó chúng tôi đã có những đề xuất hợp nhất hai cơ quan trên thành một, với tên gọi Ủy ban Cạnh tranh Quốc Gia, thuộc Chính Phủ và do Chính Phủ thành lập”.
Góp ý của các bên tham luận cho dự thảo luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Các đại biểu tham dự hội thảo. Nguồn: TTWTO.
Ông Hồ Xuân Thắng từ Đại học Sài Gòn đã bày tỏ sự nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, ông có những góp ý rất chi tiết về vấn đề soạn thảo.
“Về quyết định thay đổi người giám định, cơ sở nào và căn cứ vào điều gì để thay đổi người giám định. Tôi nghĩ cần có nội dung trả lời vấn đề này. Và cần bổ sung những quy định về giá để bảo vệ người tiêu dùng.”
Ông cũng đã lấy những ví dụ thực tế từ việc tăng giá sữa của các doanh nghiệp sữa nước ngoài trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Tại Hội thảo Ông Phạm Duy Nghĩa – Trọng tài viên VIAC đã có những chia sẻ vô cùng thực tế và thú vị về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) về 3 vấn đề. Đầu tiên là vấn đề không ổn định của các bộ Luật của Việt Nam khi phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Thứ hai, ông đặt câu hỏi liệu luật cạnh tranh có quan trọng hay không? Khi mà bản thân các tài nguyên thị trường không đặt luật cạnh tranh làm cơ sở. Cuối cùng ông nhấn mạnh về việc chỉ sửa chữa những gì đáng sửa, và giữ nguyên những thứ vẫn đang phát huy tốt.
Ngoài ra, điểm chung của các bên tham vấn là đều bày tỏ quan điểm xóa bỏ Chính sách Khoan hồng ở điều 17. Họ đều cho rằng đây là điều không cần thiết đối với những hành vi đã thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định tại điều 14.
Đến với buổi Hội thảo còn có sự tham gia tham luận của các bên luật sư như luật sư Lê Nết, ông Lê Trọng Thêm – Cty Luật TNHH Phước và Các Cộng sự.
Ông Lê Nết đã cung cấp những thông tin về Luật Cạnh tranh trong Luật Thương mại và những nguyên tắc cơ bản của nó. Ông đề xuất: Xây dựng hệ thống các nguyên tắc luật cạnh tranh, xóa bỏ rào cản nhằm tạo một môi trường công bằng vì rào cản đã tác động làm tăng giá cả hàng hóa trong nước và cần định hướng tương lai về những ảnh hưởng của thị trường trước sự xâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai.
Những ý kiến của các bên tham luận và giải đáp của Cục Quản lý cạnh tranh và Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp thêm tiếng nói cho dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trong thời gian tới.
Theo TTWTO.