Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nuôi trồng thủy sản”
- 19/11/2019
Ngày 13/11/2019, tại TP Cần Thơ, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) tổ chức hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nuôi trồng thủy sản”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Chương trình hợp tác “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề – ngành nuôi trồng thủy sản” khởi động từ tháng 6/2017. Mục tiêu bước đầu là xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ cho kỹ thuật viên ngành nuôi trồng thủy sản dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế và có sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của các chuyên gia đến từ Na Uy- nơi có ngành nuôi trồng thủy sản hiện đại bậc nhất thế giới. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã đạt nhiều kết quả thiết thực đáng khích lệ; tiêu điểm là đào tạo được một đội ngũ giảng viên nguồn có chuyên môn đến từ các trường và các doanh nghiệp.
►Đào tạo theo nhu cầu
ĐBSCL có thế mạnh về nuôi trồng chế biến thủy sản nhất là cá tra nhưng người lao động còn thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức. Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Qua 3 năm triển khai, Chương trình hợp tác “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong ngành nuôi trồng thủy sản” đã xây dựng hoàn chỉnh bộ tài liệu đào tạo ngắn hạn cho kỹ thuật viên ngành nuôi cá tra tại ĐBSCL. Bộ tài liệu này được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao và được triển khai đào tạo tại khắp các địa phương có nuôi cá tra tại ĐBSCL. Nhiều công ty thủy sản và nhiều địa phương đã nhận thấy được sự cần thiết của chương trình đào tạo kỹ thuật nuôi thủy sản; phù hợp với định hướng nâng cao trình độ cho nông dân và công nhân công nghiệp cũng như chương trình dạy nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Lao động thường xuyên trong ngành thủy sản gồm có những người tham gia nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, những lao động này thường làm việc theo kinh nghiệm là chính chứ không qua đào tạo tập trung, bài bản. Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), cả nước có khoảng 50.000 hộ gia đình, trên dưới 200.000 lao động trong nghề nuôi biển nhưng đại đa số chưa đào tạo. Nhân lực nuôi biển được truyền nghề theo kiểu truyền thống; các trường nghề chưa đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp; chưa có hệ đại học về nuôi biển công nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng: Trong ngành nuôi trồng thủy sản, nghề nuôi biển có nhiều tiềm năng phát triển song còn đối mặt với những thách thức như: thiếu kế hoạch phát triển cũng như chính sách đầu tư; quản lý nhà nước yếu, chưa có chế độ quản lý; trại nuôi quy mô nhỏ; nguồn nhân lực chất lượng thấp và chưa được đào tạo; rủi ro môi trường cao; chuỗi liên kết còn rất yếu… Vì thế, cần hoàn thiện thể chế phát triển nuôi biển. Trong đó, phải xác định công cụ chính là cộng đồng doanh nghiệp, động lực là công nghệ tiên tiến, thông qua phương thức tích hợp nhiều ngành liên quan đến kinh tế biển như vận tải biển, đóng tàu, du lịch biển, quốc phòng an ninh… Cuối cùng, chủ thể của thể chế phải là nguồn nhân lực chất lượng cao.
►Mở hướng hợp tác
Trong 3 năm qua, chương trình hợp tác giữa VCCI và NHO về “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong ngành nuôi trồng thủy sản” đã mở 2 lớp tập huấn cho cán bộ các Trung tâm Khuyến nông và giảng viên các trường dạy nghề ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đồng thời biên soạn, cung cấp tài liệu tập huấn kỹ thuật nuôi cá tra, ương cá tra giống. Chương trình cũng tổ chức các lớp tập huấn cho công nhân vùng nuôi cá tra của các công ty chế biến thủy sản ở ĐBSCL như Vĩnh Hoàn, Hùng Cá, Caseamex, Biển Đông, Thuận Hưng, Nam Việt…, các Chi hội Giống An Giang, Cờ Đỏ, Ô Môn (TP Cần Thơ); hộ ương nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết, các bên tham gia cũng đề xuất VCCI và NHO tiếp tục thực hiện Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho ngành nuôi thủy sản, phù hợp với thực tế sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, để có nguồn nhân lực ngày càng chất lượng đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới.
Bà Tori Tveit, Giám đốc Trung tâp hợp tác quốc tế, Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), chia sẻ: Hơn một thập kỷ qua, ngành thủy sản của Na Uy và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng. Quá trình phát triển này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao với những kỹ năng phù hợp với xu hướng đổi mới công nghệ phục vụ cho ngành thủy sản. Với chương trình hợp tác giữa VCCI và NHO, các trường đào tạo nghề có thể cập nhật được thông tin thị trường, công nghệ kỹ thuật hiện đại, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, điều kiện an toàn lao động… nhằm giúp sinh viên tăng kỹ năng làm việc phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong ngành thủy sản có thể kiến nghị xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đơn vị.
Chương trình đào tạo, Cơ sở trường nghề đào tạo, năng lực cán bộ giảng viên là 3 khâu đang rất yếu và cần đẩy mạnh nhờ vào các chương trình hợp tác quốc tế. Trước mắt là chương trình hợp tác quốc tế với Na Uy là quốc gia hàng đầu trên thế giới về nuôi biển. Do đó, đề xuất trong chương trình hợp tác giai đoạn 2020-2024 là xây dựng chương trình đào tạo cho công nhân, cán bộ quản lý về nuôi biển công nghiệp; tăng cường công nghệ, nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nghề. Về hợp tác quốc tế giữa Na Uy và Việt Nam, Na Uy là một quốc gia thế mạnh về nghề nuôi biển xa bờ, Việt Nam mong muốn trở thành một trong những nước hàng đầu phát triển ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ. Chúng tôi hy vọng rằng với sự hỗ trợ của các cơ quan bộ, ngành, cùng với các chương trình hợp tác quốc tế sẽ giúp thúc đẩy phát triển hiệu quả ngành thủy sản. Biển và đại dương là “cánh đồng cuối cùng” của hành tinh này để chúng ta có thể canh tác và canh tác biển cần phải làm một cách đúng đắn, chuyên nghiệp, có hiệu quả.
Tổng hợp từ baomoi.com, TTXVN