Hoạt động doanh nghiệp 2018
- 05/02/2018
Góc nhìn chuyên gia:
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Theo quan sát của cá nhân tôi, nếu 2016 là năm khởi động một giai đoạn mới, 2017 là năm tăng tốc, thì 2018-2019 phải là năm nước rút để 2020 chúng ta cán đích, đạt được các mục tiêu đề ra với 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong thời chiến, chúng ta đã huy động được sức mạnh của toàn dân để đánh giặc, tôi mong 2018 sẽ đánh dấu một bước chuyển mới, ghi dấu ấn về việc huy động được sức mạnh của toàn dân trong xây dựng và phát triển đất nước, với những nỗ lực cải cách hướng tới chuẩn mực thể chế hàng đầu của ASEAN và OECD. Tôi tin vào sức sống mãnh liệt của khu vực kinh tế tư nhân và tinh thần khởi nghiệp của người dân.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương:
Các DN cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường và đối tác cùng các FTA mới thông qua cơ quan chức năng đầu mối. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan Chính phủ để nêu lên thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế:
Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký tăng cao trong năm 2017 cao hơn so với năm trước nhưng sức ép thị trường lớn khiến các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường cũng lớn do tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những sức ép của tiến trình hội nhập, môi trường kinh doanh cũng là nhân tố không mấy thuận lợi đối với nhiều doanh nghiệp. Chúng ta còn phải cải thiện nhiều hơn nữa về mặt thể chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp của nhiều người trẻ rất đáng hoan nghênh; nếu tạo được môi trường tốt thì sẽ có nhiều người khởi nghiệp thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam, vào sự thay đổi về kết cấu của nền kinh tế.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
DN đang đứng trước 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Về cơ hội, thứ nhất, thông điệp của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển kinh tế là rất rõ ràng; thứ hai là môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng, thời gian, chi phí được tiết giảm… giúp tăng cơ hội kinh doanh cho DN. Về thách thức, theo ông Hiếu, đó chính là cải thiện quản trị DN, nâng cao sức cạnh tranh. Khi sức ép cạnh tranh trên thị trường tăng lên sẽ tác động trực tiếp đến DN, nếu không thay đổi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Vì vậy, DN tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, phải tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế.