Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017: Nhiều kỳ vọng thay đổi
- 22/02/2017
Với nhiều điểm mới trong Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017 (VIAC 2017), như: thủ tục rút gọn, gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ… so với phiên bản năm 2012, hứa hẹn sẽ giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên, từ đó tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp.
Ngày 22/02/2017, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017.
Tranh chấp trong lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu chiếm tới 41%
Theo số liệu thống kê của VIAC, năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận 155 vụ tranh chấp, tăng 6,2% so với năm 2015. Trong đó, có 41% là tranh chấp ở lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu, 15% là tranh chấp ở lĩnh vực xây dựng, 11% là ở lĩnh vực tài chính ngân hàng và 33% là các tranh chấp ở lĩnh vực khác, như: thuế, bảo hiểm…
Các tranh chấp có yếu tố nước ngoài vẫn tiếp tục tăng trưởng về số lượng với tham gia nhiều nhất tới từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kong) tiếp sau là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên số lượng các vụ tranh chấp nội địa chiếm trên 50% số vụ tranh chấp giải quyết tại VIAC. Điều này thể hiện niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC phát biểu tại lễ công bố
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp việc dùng đến trọng tài thương mại vẫn tốn khá nhiều thời gian, với 153,6 ngày/vụ tranh chấp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Khúc Hoàng Duy, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm tìm đến Trung tâm Trọng tài VIAC để giải quyết tranh chấp bảo hiểm. Tuy nhiên, để có thể giải quyết trong thời gian ngắn, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng phải ngồi lại với nhau để thảo ra một thỏa thuận chi tiết về các bước trong quá trình giải quyết tranh chấp, dù là ban thư ký VIAC hỗ trợ rất nhiệt tình.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc này gây phiền hà và vẫn tốn khá nhiều thời gian”, ông Duy bày tỏ quan điểm.
Một điểm tồn tại khác trong việc sử dụng trọng tài thương mại được ông Nguyễn Đức Mạnh, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink nêu ra đó là, việc doanh nghiệp phải tách từng hợp đồng theo từng vụ việc và mỗi vụ việc lại có một hội đồng trọng tài riêng (theo Quy tắc tố tụng trọng tài 2012). Điều này cũng gây mất rất nhiều thời gian và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Quy tắc tố tụng trọng tài 2017: Kỳ vọng sẽ khắc phục các hạn chế
Nhận biết được những tồn tại, hạn chế đó, VIAC đã đưa ra Quy tắc tố tụng trọng tài 2017. Phiên bản lần này đã sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập của Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2012 trước đó.
Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC, Quy tắc Tố tụng trọng tài VIAC 2017 là quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị định 01/2014/HĐTP/TANDTC, ngày 22/03/2014 liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung một vụ tranh chấp. Với các điểm mới nổi bật trong Quy tắc, đó là: Điều 6: Tranh chấp từ nhiều hợp đồng, Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp và Điều 37: Thủ tục rút gọn, hứa hẹn sẽ giảm tố đa thời gian theo kiện của các bên, từ đó tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Đạt, Điều 6 và Điều 15 sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ, giảm được những chi phí không cần thiết, như: thời gian và phí tổn cho việc theo kiện, đặc biệt là các vụ kiện trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, tài chính… – các lĩnh vực mà có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau.
Còn Điều 37: Thủ tục rút gọn, theo ông Đạt, hiện tại, thời gian giải quyết tranh chấp là 153.6 ngày/vụ tranh chấp. Nhưng, nếu các bên đồng ý sử dụng thủ tục rút gọn, thì thời gian sẽ tiếp tục rút ngắn, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.
Đánh giá cao những điểm mới của Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết, đối với các vụ tố tụng trong lĩnh vực ngân hàng thường có nhất nhiều bên tham gia tranh chấp, nên sẽ rất khó để giải quyết thành công. Tuy nhiên, phiên bản 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực này.
“Với Điều 6, Điều 15 đã mở ra cánh cửa rộng rãi có thể đưa ra giải quyết tranh chấp trọng tài. Với việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện là điều rất tốt. Trước đấy việc gộp này có thể có, nhưng vì chưa có quy tắc nên mọi người rất ngại thực hiện”, ông Đức nhấn mạnh.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cũng đánh giá rất cao vai trò của Quy tắc tố tụng trọng tài lần này.
“Bộ quy tắc lần này chỉ có 3 điểm mới, nhưng lại rất cơ bản và mang tính đột phá so với trước rất nhiều. Hy vọng, với việc sử dụng bộ quy tắc này, VIAC sẽ giúp được các doanh nghiệp nhiều hơn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo Kinhtevadubao.vn