[vccitranslate]

Lo Trung Quốc, Đức siết chặt các vụ thâu tóm doanh nghiệp

Hôm 12-7, nội các Đức đã thông qua các quy định cho phép chính phủ nước này dễ dàng ngăn chặn các thương vụ bán các công ty có tầm quan trọng chiến lược của Đức cho các nhà đầu tư bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Hãng tin Reuters cho biết các quy định này được thông qua trước các lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tiếp cận các bí quyết công nghệ của Đức bằng con đường thâu tóm doanh nghiệp.

Các quy định mới cho phép Chính phủ Đức ngăn chặn bất kỳ vụ thâu tóm nào có thể dẫn đến nguy cơ các công nghệ quan trọng rơi vào tay các nước ngoài EU. Các công ty Đức nằm trong diện được bảo vệ bao gồm các công ty quản lý các cơ sở hạ tầng quan trọng, các công ty phần mềm phát triển các chương trình quản lý mạng lưới viễn thông, trạm điện, hệ thống cung cấp nước, ngân hàng, sân bay, nhà ga…

Các quy định mới cũng cho phép chính phủ thẩm định các kế hoạch thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài trong bốn tháng, dài gấp đôi so thời gian thẩm định hiện nay. Trong thời gian này, các cơ quan tình báo Đức có thể thu thập thông tin để xác định liệu có công ty bình phong nào được thành lập bên trong EU để giúp các nhà đầu tư ngoài EU thực hiện một vụ thâu tóm hay không.

Các quy định mới không cần phải được Quốc hội Đức thông qua và sẽ có hiệu lực sau khi được đăng trên công báo liên bang.

“Chúng tôi vẫn là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới nhưng chúng tôi cũng cần bảo đảm đến các điều kiện cạnh tranh công bằng. Chúng tôi nợ các công ty Đức trách nhiệm này. Họ thường phải cạnh tranh với những nước có nền kinh tế không cởi mở như chúng tôi”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries nói.

Năm ngoái, tập đoàn sản xuất đồ điện gia dụng Midea của Trung Quốc đã tiến hành thâu tóm công ty chế tạo robot công nghiệp Kula của Đức với giá 5 tỉ đô la Mỹ. Thương vụ này làm dấy lên những lo ngại về việc Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận các công nghệ quan trọng của Đức trong khi đó lại bảo vệ các công ty trong nước trước ý định thâu tóm của nước ngoài.

Đầu năm nay, Bộ Kinh tế Đức dẫn các lo ngại an ninh để rút lại quyết định chấp thuận cho quỹ đầu tư Fujian Grand Chip Investment Fund (Trung Quốc) mua lại công ty sản xuất thiết bị ngành công nghệ bán dẫn hàng đầu nước Đức Aixtron với giá 670 triệu euro.

Tháng trước, các lãnh đạo EU cũng đã nhất trí xem xét việc thẩm tra các thương vụ đầu tư của các công ty nhà nước Trung Quốc ở EU. Pháp, Đức, Ý ủng hộ đề xuất cho phép EU ngăn chặn các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc, một phần là vì các công ty châu Âu bị cản trở tiếp cận đầu tư tại Trung Quốc.

Theo Thesaigontimes.vn

  • Events
  • Training