[vccitranslate]

Chuyển biến quan trọng trong quá trình triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15

Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 (“Nghị quyết 98”) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này trao cho Thành phố Hồ Chí Minh quyền tự chủ quản lý ở một số lĩnh vực nhằm tạo điều kiện phát huy tính chủ động, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Để có thể triển khai Nghị quyết 98 trên thực tế, việc phân cấp quản lý giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền Thành phố (bao gồm Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) phải được quy định rõ ràng để tránh chồng chéo về thẩm quyền. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về phân cấp quản lý ở một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố (“Dự thảo Nghị định”). Dự thảo Nghị định được xây dựng để triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng như thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP mà Chính phủ đã ban hành trước đây để quy định về vấn đề tương tự.

Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ nêu lên một số điểm nổi bật của Dự thảo Nghị định, như sau:

1. Mục đích ban hành Dự thảo Nghị định

Chuyển biến trong triển khai Nghị quyến 98

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)

Việc Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị đinh là để phục vụ các mục đích sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, trao quyền cho Chính quyền Thành phố được thực hiện, quyết định các công việc ở một số lĩnh vực thuộc sự quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành khác để tăng tính chủ động, giải quyết kịp thời các vấn đề trên địa bàn.

Thứ ba, thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã lỗi thời và không còn tạo ra ưu đãi đặc thù về mặt cơ chế quản lý.

2. Về phạm vi phân cấp

Theo Điều 1 Dự thảo Nghị định, chính quyền Thành phố được phân cấp quản lý đối với 09 nhóm ngành, lĩnh vực, bao gồm:

• Quản lý nhà nước về đầu tư;
• Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước;
• Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng và tài nguyên môi trường;
• Quản lý nhà nước về giao thông vận tải;
• Quản lý nhà nước về y tế;
• Quản lý nhà nước về giáo dục;
• Quản lý nhà nước về lao động;
• Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ;
• Quản lý nhà nước về nội vụ.

Có thể thấy rằng, phạm vi phân cấp của Dự thảo Nghị định là rộng hơn và cụ thể hơn phạm vi phân cấp được quy định tại Nghị định 93/2001/NĐ-CP. Đồng thời, phạm vi này cũng phù hợp với các lĩnh vực mà Thành phố Hồ Chí Minh được ưu tiên thí điểm, hưởng các chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98/2023/QH15 .

3. Một số lĩnh vực phân cấp quản lý đáng chú ý

3.1. Phân cấp quản lý về đầu tư

Về các quy định phân cấp quản lý trong lĩnh vực đầu tư, Điều 4 Dự thảo Nghị định cho phép Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (“UBND Thành phố”) được quyết định các chính sách liên quan đến đầu tư như:

• UBND Thành phố được quyết định cập nhật bổ sung Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư mới theo xu thế phát triển công nghệ của thế giới và thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh;

• Căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trên cơ sở quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư, UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (“HĐND Thành phố”) ban hành chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác.

• Quyết định điều chỉnh kéo dài thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sau khi điều chỉnh không được quá 20 năm.

Có thể thấy, chính quyền Thành phố được trao quyền quyết định các chính sách thu hút đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ được quy định tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, các chính sách này phải liên quan đến một số tiêu chí nhất định. Chẳng hạn, trong phạm vi được phân quyền, UBND Thành phố chỉ được cập nhật bổ sung Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư mới dựa trên cơ sở xu thế phát triển công nghệ của thế giới và thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố; hoặc chính sách hỗ trợ do chính quyền Thành phố xây dựng chỉ được dành cho một số đối tượng nhất định.

3.2. Phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương (thuộc nội dung quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước)

Theo Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Nghị định, UBND Thành phố được tiếp nhận và xử lý hồ sơ một số thủ tục thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương như:

• Thông báo hoặc đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

• Các nhiệm vụ của Bộ Công Thương tại Điểm a Khoản 7 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, bao gồm: tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh và quy định thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

• Cấp và điều chỉnh giấy phép lập cơ sở bán lẻ không cần ý kiến của Bộ Công Thương đối với các trường hợp:

 Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (bao gồm cơ sở bán lẻ thứ nhất, cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) được lập trong trung tâm thương mại và có diện tích dưới 500 m2.

 Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) có diện tích dưới 100 m2, không nằm trong trung tâm thương mại và đã được Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế của thành phố thống nhất chấp thuận cấp phép; cấp điều chỉnh tăng diện tích đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ nhất thỏa mãn 02 điều kiện trên.

 Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) có diện tích dưới 500 m2 và cấp điều chỉnh tăng diện tích đến dưới 500 m2 đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) đặt ngoài trung tâm thương mại.

Một số chủ thể khi kinh doanh ở các lĩnh vực như thương mại điện tử, hóa chất, bán lẻ như trên phải thực hiện các thủ tục, xin các giấy phép kinh doanh để được hoat động. Các thủ tục, giấy phép đó hiện đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công Thương. Việc trao phân quyền cho UBND Thành phố để xử lý các thủ tục trên sẽ giúp tăng cường tính chủ động, tự chủ của Thành phố để tự quyết định vấn đề, giảm sự phụ thuộc vào ý kiến của Bộ Công Thương, từ đó có thể rút ngắn được thời gian thực hiện thủ tục (đối với các thủ tục phải qua bước xin ý kiến Bộ Công Thương). Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra rất nhiều thách thức cho UBND Thành phố bởi các lĩnh vực trên có tính chất phức tạp cao, UBND Thành phố phải sắp xếp các nhân sự có chuyên môn để thực hiện các công việc trước đây được giải quyết bởi Bộ Công Thương. Ngoài ra, các lĩnh vực trên còn có tính liên ngành cần sự phối hợp của các Cơ quan tại trung ương và các địa phương khác .

3.3. Phân cấp quản lý về Khoa học & Công nghệ

Theo Điều 11 Dự thảo Nghị định, UBND Thành phố có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

• Hằng năm kiểm tra báo cáo của tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố, kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp về việc đáp ứng tiêu chí theo quy định sau khi được cấp giấy chứng nhận.

• Cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao; kiểm tra báo cáo của tổ chức, cá nhân; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, giám sát việc duy trì điều kiện hoạt động của các cơ sở ươm tạo công nghệ cao.
Khuyến khích phát triển các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ cao cũng là một trong những chính sách phát triển của Thành phố tại Nghị quyết 98/2023/QH15. Do đó, việc phân cấp quản lý cho UBND Thành phố để quản lý các hoạt động nêu trên là phù hợp, góp phần tăng tính tự chủ, phát huy được tiềm năng phát triển của Thành phố.

Tóm lại, Dự thảo Nghị định là một trong những cơ sở quan trọng để Thành phố có thể triển khai thi hành Nghị quyết 98/2023/QH15. Qua việc mở rộng phạm vi các lĩnh vực được phân cấp, chính quyền Thành phố có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc quyết định các vấn đề quan trọng dựa trên sự phù hợp với tiềm lực, tình hình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, việc thi hành Dự thảo Nghị định sẽ rất thách thức bởi Thành phố phải bố trí lực lượng nhân sự có chuyên môn để thực hiện các công việc trước đây được quyết định bởi các cơ quan chuyên môn tại Trung ương. Ngoài ra, việc quản lý các một số lĩnh vực cần có sự phối hợp liên ngành của nhiều cơ quan, địa phương cũng sẽ gặp khó khăn khi Thành phố phải phối hợp và phụ thuộc ý kiến của các cơ quan có liên quan.

Dự thảo Nghị định này sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới theo thủ tục rút gọn của Chính phủ.

Bài viết được thực hiện với sự hợp tác giữa VCCI-HCM và Công Ty Luật TNHH HM&P

  • Events
  • Training