[vccitranslate]

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi và những quy định có thể tác động tới doanh nghiệp

Hiện nay, Quốc hội đang trong quá trình sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (“Thuế GTGT”). Đối với hầu hết các doanh nghiệp, Luật Thuế GTGT  là một trong những văn bản luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Do đó, việc kịp thời cập nhật những sửa đổi của Luật Thuế GTGT sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh, trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một số điểm mới trong Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi để các doanh nghiệp có thể lưu ý cho hoạt động của mình.

1. Quy định cụ thể hơn về việc giao dịch chuyển nhượng vốn không chịu thuế GTGT

Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi và tác động tới DN

Đối với doanh nghiệp, việc chuyển nhượng vốn dù có thể không thường xuyên phát sinh trên thực tế, tuy nhiên, với đặc thù về giá trị lớn của các giao dịch chuyển nhượng, thuế GTGT vẫn là mối quan tâm thường xuyên của các doanh nghiệp. Mặc dù hiện nay, theo quy định của Luật Thuế GTGT sửa đổi năm 2013, giao dịch chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, với việc các phương thức thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn ngày càng đa dạng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong việc xác định các giao dịch mà mình đang thực hiện có thuộc trường hợp không chịu thuế GTGT hay không. Do đó, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã có những quy định chi tiết hơn về trường hợp này, cụ thể như sau[1]:

Chuyển nhượng vốn bao gồm chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật. Chuyển nhượng vốn quy định tại khoản này không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản.”

Ngoài quy định cụ thể hơn về việc chuyển nhượng vốn là đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ không bao gồm giao dịch chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản, quy định còn lại thực chất chỉ là luật hóa của những quy định đã có tại Thông tư 219/2013/TT-BTC. Do đó, điều mà doanh nghiệp cần lưu ý là việc các giao dịch mua bán và sáp nhập theo hình thức chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản sẽ là đối tượng phải chịu thuế GTGT.

2. Sửa đổi quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu

Đây là một trong những quy định mới mà các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa cần lưu ý. Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi,  giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là trị giá nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu cộng với các khoản thuế là thuế nhập khẩu bổ sung theo quy định của pháp luật (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.

Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi và tác động tới DN

Điều chỉnh này dựa trên các quy định hiện hành của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, về trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu và các loại thuế nhập khẩu bổ sung như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế phải chịu đối với hàng hóa dự kiến nhập khẩu, trị giá các loại hàng hóa này để có cơ sở xác định chính xác giá trình thuế GTGT.

3. Sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế GTGT

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp sẽ tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT, do đó, các quy định về khấu trừ thuế GTGT luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi có điều chỉnh, bổ sung một số quy định liên quan đến việc khấu trừ thuế GTGT như sau:

Thứ nhất, bổ sung thời điểm kê khai, khấu trừ số thuế GTGT bị sót, cụ thể, trong trường hợp doanh nghiệp phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sót thì được kê khai, khấu trừ vào kỳ tính thuế sót trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế[2]. Quy định này giới hạn khoảng thời gian mà doanh nghiệp có thể kê khai, khấu trừ thuế GTGT, thay vì có thể kê khai, khấu trừ bổ sung sau đó, miễn là trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế như quy định tại Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013.

Thứ hai, sửa đổi điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, cụ thể, theo quy định tại Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013, điều kiện khấu trừ thuế GTGT là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 Luật Thuế GTGT sửa đổi, mức hai mươi triệu đồng đã được điều chỉnh thành năm triệu đồng.

Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi và tác động tới DN

4. Bãi bỏ một số trường hợp hoàn thuế GTGT

Ngoài khấu trừ thuế thì hoàn thuế GTGT cũng là một trong những quy định mà nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã loại bỏ một số trường hợp liên quan đến hoàn thuế GTGT như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký mà có dự án đầu tư, theo quy định của Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã loại bỏ trường hợp này[3].

Thứ hai, đối với trường hợp doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà có các hoạt động chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế GTGT[4]. Với quy định này, doanh nghiệp nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, doanh nghiệp cần khấu trừ hết trước khi tiến hành các hoạt động kể trên.

Trên đây là một số quy định mới, tiêu biểu trong Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi mà chúng tôi đánh giá có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp được thông qua và ban hành, các doanh nghiệp cần lưu ý để có những điều chỉnh phù hợp trong hoạt động của mình, bảo đảm hiệu quả kinh doanh trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.

Bài viết được thực hiện với sự hợp tác giữa VCCI-HCM và Công Ty Luật TNHH HM&P

[1] Điểm d Khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.

[2] Điểm đ Khoản 1 Điều 13 Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.

[3] Điểm a Khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.

[4] Khoản 4 Điều 14 Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.

  • Sự kiện
  • Đào tạo