[vccitranslate]

Doanh nghiệp tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh

Doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng mở rộng đầu tư, kinh doanh vào khu vực ASEAN; trong đó, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong thời gian tới.

Đây là phát biểu của ông Quách Truyền Duy, Giám đốc Đầu tư Thương mại, Trung tâm ASEAN – Trung Quốc tại Diễn đàn và giao lưu thương mại Việt Nam – Trung Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, Sở Thương mại tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 2/8.

Theo ông Quách Truyền Duy, Trung Quốc là nền kinh tế có năng lực sản xuất mạnh, các doanh nghiệp Trung Quốc đang không ngừng mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam hiện là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau và vị trí địa lý thuận lợi cho việc trao đổi thương mại. Đó là lý do mà doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao tiềm năng và mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư với Việt Nam.

Ông Ba Âm Triều Lỗ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cát Lâm cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, tỉnh Cát Lâm nói riêng đã chú trọng triển khai hợp tác thương mại và không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe hơi, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên đang có nhiều triển vọng hợp tác lâu dài.

Ông Võ Tân Thành – Chủ tịch VCCI-HCM và Ông Ba Âm Triều Lỗ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cát Lâm

Chia sẻ về nguyện vọng của các doanh nghiệp Trung Quốc, ông Ba Âm Triều Lỗ cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn được kết nối hài hòa về quy hoạch phát triển, chính sách ngành nghề, xây dựng nền tảng hợp tác song phương với các tỉnh, thành của Việt Nam trong các lĩnh vực như hạ tầng kinh tế thương mại, năng lượng, nông nghiệp.

Đồng thời, tăng cường công tác định hướng doanh nghiệp mở rộng đầu tư song phương, tỉnh Cát Lâm sẽ hướng các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại Việt Nam. Hy vọng, Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh Cát Lâm đến khảo sát đầu tư và ngược lại tỉnh Cát Lâm cũng mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại tỉnh với một môi trường tốt nhất.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam – Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… Trung Quốc hiện là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và giàu tiềm năng của Việt Nam.

Ông Võ Tân Thành – Chủ tịch VCCI-HCM phát biểu tại hội thảo.

Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 93,6 tỷ USD và chiếm đến 22% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 38,7 tỷ USD, nhiều khả năng đến cuối năm 2018 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc lần đầu tiên sẽ vượt mốc 100 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 4/2018, Trung Quốc xếp thứ 7 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 1.900 dự án, tổng vốn đầu tư trên 12,5 tỷ USD. Với xu hướng mở rộng và dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay, dự báo dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin, tính đến tháng 7/2018, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 19 trên tổng số 98 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh với 126 dự án, tổng vốn đầu tư gần 158 triệu USD. Về thương mại, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu này cho thấy những dấu hiệu phát triển tích cực trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, tăng cường thương mại, đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Cát Lâm. Do đó, việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, thương mại sẽ tạo ra những cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả thời gian tới.

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TPHCM và Trung Quốc đạt hơn 16 tỷ USD (xuất khẩu gần 6 tỷ USD; nhập khẩu gần 11 tỷ USD), chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm, phụ tùng, thiết bị máy móc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TPHCM và Trung Quốc tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2017.

Toàn cảnh hội thảo.

Các khách mời giao lưu tại hội thảo.

Hình ảnh các đại biểu tham dự tại hội thảo.

Theo Chinhphu.vn và TTXVN.

  • Sự kiện
  • Đào tạo