Doanh nghiệp nước ngoài ‘miệt mài’ tìm nhà cung cấp phụ trợ trong nước
- 16/09/2019
25 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mong muốn tìm được nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ từ Việt Nam tại SFS lần 2 tổ chức tại TP.HCM, chứ không chỉ dừng lại ở việc trả lời email, đi thăm nhà xưởng hay gởi hàng như trước đây.
Hội nghị “Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 – SFS 2019” do Sở Công Thương TP.HCM chủ trì phối hợp cùng BQL các Khu chế xuất và Công nghiệp (HEPZA), BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức ngày 11-9 đặt kỳ vọng ở mức cao: kết nối trực tiếp giữa các nhà mua hàng công nghiệp, vốn là các công ty đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối trong nước, cùng danh mục chi tiết linh kiện cụ thể đang tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước.
SFS 2019 có sự tham gia của 26 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất sản xuất đầu cuối như Samsung, Daeyong Harness, Namyang, TTE Electronic, Hanel PT, GE, Daeyong Vina; Fujikura, Yuki; Ito; Misterquay, Bosch, Mescedes – Benz Việt Nam; Nipro, Panasonic, Datalogic Việt Nam…cần hơn 220 chi tiết linh kiện sản phẩm: điện tử, cơ khí, tự động hoá, máy bay, ôtô, xe máy, y tế, để kết nối trực tiếp với gần 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với mục tiêu: tìm được nhà cung cấp ngay tại Việt Nam.
Đánh giá về lợi ích từ SFS 2 mang lại, ông Oh Sang Hoon, phó giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung TP.HCM, kỳ vọng SFS 2019 sẽ là cầu nối hiệu quả, tạo cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, tham gia chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư của thành phố một cách hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sự kiện là hoạt động thường niên nhằm cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các công ty đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối ..luôn có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Năm 2018, kết thúc “Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ lần thứ 1”, theo ban tổ chức, đã có 22 doanh nghiệp phản hồi được các nhà mua hàng trả lời email. 11 doanh nghiệp phản hồi được các nhà mua hàng đi thăm nhà xưởng . 8 doanh nghiệp phản hồi được các nhà mua hàng đề nghị gửi bảng báo giá – 5 doanh nghiệp phản hồi được các nhà mua hàng đề nghị gửi hàng mẫu.
Cũng theo Ban tổ chức, 25 nhà mua hàng có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp chi tiết linh kiện, vật liệu với danh mục cụ thể khi mang đến SFS 2019. Nhà mua hàng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ thảo luận trực tiếp về sản phẩm, chi tiết, linh kiện, phụ tùng trong kế hoạch tìm kiếm nhà cung cấp cho chính mình tại thị trường Việt Nam, bao trùm ở các lĩnh vực: công nghiệp chế tạo, điện tử, công nghiệp chế biến, cao su – nhựa kỹ thuật…
Theo tuoitre.vn