Doanh nghiệp ngành dây và cáp điện tìm giải pháp khai thác thị trường xuất khẩu trọng điểm
- 18/04/2019
Nhóm hàng dây điện và cáp điện của Việt Nam đang chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với kim ngạch hàng tỉ USD. Hiểu biết và nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành là bước đi quan trọng doanh nghiệp cần nắm vững để khai thác tốt thị trường toàn cầu.
Xuất khẩu dây và cáp điện đóng góp hàng tỉ USD
Sản phẩm dây và cáp điện được đánh giá là một trong những nhóm ngành hàng đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Theo tổng cục Hải quan, năm 2018, kinh ngạch xuất khẩu sản phẩm dây và cáp điện của Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD, tăng 21% so với năm 2017.
Tại Hội thảo Dây và cáp điện do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM và Tổ chức Mỹ UL (Under writers Laboratories) tổ chức ngày 17/4, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP HCM nhận định, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng áp lực cạnh tranh trong thị trường này vẫn lớn và rủi ro từ xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI-HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Bên cạnh đó, những đổi mới về công nghệ và tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được nâng cao tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ buộc các nhà sản xuất cũng cạnh tranh nhau trong việc trang bị công nghệ tiên tiến để hoàn thiện dây chuyền sản xuất.
Hiện tại, Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu dây, cáp điện, trong đó có nhiều công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này với quy mô lớn và có dây chuyền công nghệ hiện đại.
Trong đó, nhóm sản phẩm dây điện và cáp điện xuất khẩu hầu như là của các công ty trong nước, nhưng nhập khẩu nhóm hàng này thì phần lớn là của công ty vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tới 78,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 400,68 triệu USD năm 2018.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn phát triển với động lực dựa vào nguồn lực có sẵn sang giai đoạn phát triển dựa trên hiệu suất. Trong đó, nâng cao năng suất, chất lượng là yếu tố then chốt.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết thêm, ngay tại thị trường Việt nam, để có thể cạnh tranh, các sản phẩm “Made in Vietnam” cũng phải đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh xã hội và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến khía cạnh an toàn và thân thiện với môi trường của sản phẩm.
Giải pháp tiếp cận thị trường xuất khẩu trọng điểm
Khi hàng rào thuế quan được hạ xuống là điều kiện cần thì việc chinh phục các hàng rào phi thuế quan hay hàng rào kỹ thuật là điều kiện đủ để thâm nhập các thị trường rộng lớn. Đó là nhận định của ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP HCM.
Ông Thành phân tích, hiểu biết và nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành là bước đi quan trọng đầu tiên vừa giúp doanh nghiệp có được định hướng đúng và qua đó định vị được vị trí của mình trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời là cơ sở để từng bước nâng cấp cơ sở sản xuất theo hướng ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả
Toàn cảnh buổi hội thảo
Mặt khác, hiện tại, nền kinh tế Việt Nam ngày càng tham gia sau vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, điển hình với việc tham gia WTO và các hiệp định thương mại tự do, điều đó sẽ giúp mở rộng không gian hoạt động sâu rộng cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam nói chung, với cả cơ hội và thách thức đan xen.
“Doanh nghiệp phải nắm vững những quy định và các yêu cầu khác nhau cần thiết về tiêu chuẩn kỹ thuận chuyên ngành dây và cáp điện để có thể tiếp cận các thị trường trọng điểm như ASEAN, Mỹ và Canada”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo ông Tôn Thất Kiêm, Giám đốc UL Việt Nam, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn an toàn của lĩnh vực dây và cáp điện quốc tế, từ đó, có thể chủ động đề ra các phương án đầu tư, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước cũng nhu tận dụng cơ hội phát triển ra thị trường toàn cầu.
Ông Tôn Thất Kiêm, Giám đốc UL Việt Nam bàn luận về giải pháp chống hàng giả. Ảnh: Như Huỳnh.
Cụ thể, ông Tôn Thất Kiêm dẫn chứng: “Chứng nhận UL sẽ giúp cho nhà sản xuất cạnh tranh tốt hơn dựa vào chất lượng, uy tín và đẩy lùi tình trạng sản xuất gian lận”. Bởi, theo ông thông tin, dấu chứng nhận UL không chỉ có uy tín tại thị trường Bắc Mỹ mà còn ở hầu hết các nước châu Mỹ La tinh, châu Âu và châu Á. Điều này sẽ giúp mở rộng cánh cửa để các nhà sản xuất chinh phục thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, việc doanh nghiệp đạt chứng nhận an toàn sản phẩm, còn giúp người tiêu dùng thuận lợi trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm có uy tín đã được kiểm tra chặt chẽ và chứng nhận an toàn sử dụng, ông Kiêm nhấn mạnh.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng