Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ
- 13/06/2020
Cần những giải pháp cụ thể trong khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19, tránh để tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được gói hỗ trợ, vốn.
Tại buổi thảo luận hội trường ngày 13/6, nhiều đại biểu cho rằng, Covid-19 là cú sốc toàn cầu, mang tính cấu trúc chứ không phải tạm thời và cục bộ, bởi tạo ra nhiều thay đổi lớn về kinh tế, thậm chí nhiều ngành kinh tế sẽ không thể quay lại trạng thái cân bằng trước đó.
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ từ Chính phủ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng loạt chính sách ví như “máy trợ thở” cho các doanh nghiệp đã được ban hành.
Kỷ lục 36.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh, vẫn có trên 36.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục từ trước đến nay.
“Câu hỏi đặt ra liệu đơn thuốc hỗ trợ đã đủ liều, đúng và trúng giải pháp nào để doanh nghiệp có thể thay đổi tư duy? Dám chấp nhận từ bỏ thói quen và cách vận hành cũ để thích nghi với phát triển trong tình hình mới”, đại biểu Nguyễn Như So nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh chính sách tài khóa về tiền tệ, trong đó chú trọng về chính sách dòng tiền và ưu tiên cấu trúc, gia hạn nợ mạnh hơn.
Có tiếp cận được dòng tiền thực, doanh nghiệp mới kích hoạt được cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
“Trên thực tế, dù lãi suất điều hành đã giảm nhưng lãi suất cho vay thực tế đến các doanh nghiệp và các tổ chức là do các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại quyết định. Do vậy cần phải có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn đến doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền”, đại biểu Nguyễn Như So nói.
Cùng với đó, ưu tiên cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn, giảm lãi cho các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thời hạn hỗ trợ hợp lý, xác định ngành ưu tiên hỗ trợ dựa trên tốc độ phục hồi và sự ổn định của đầu ra để góp phần nâng đỡ nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp khác.
Ngân hàng Nhà nước cần thống nhất quy trình áp dụng Thông tư 01/2020 về cơ cấu, thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí để tránh các tổ chức tín dụng tự quyết định dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Như So cũng cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực kinh tế thông qua hỗ trợ chiều sâu cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động theo trục liên kết cung cầu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao.
“Bắt đúng bệnh thì mới hỗ trợ trúng và đúng các doanh nghiệp yếu, thiếu và cần. Khơi thông thị trường thông qua hoạt động thương mại điện tử, kích cầu thị trường nội địa 100 triệu dân để tận dụng tối đa dư địa phát triển, hình thành phát triển mạnh mẽ chuỗi liên kết thuần Việt, chủ động nguồn cung cầu mặt hàng thiết yếu, giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Hỗ trợ phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng
Trong thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội mong muốn các giải pháp, gói hỗ trợ cần được triển khai sớm, nhưng phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ cho rằng, các chính sách miễn giảm giãn thuế thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn, do đó cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra.
Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ, cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021.
“Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế mà không làm giảm thu ngân sách. Cũng cần lưu ý nới lỏng chính sách tiền tệ, phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.
Nguồn: VOV