Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính
- 27/02/2023
Vừa qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện 1 cuộc nghiên cứu trên nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thường xuyên có các hoạt động khai báo làm thủ tục hành chính, hải quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, có 59% doanh nghiệp cho biết họ từng gặp ít nhất một khó khăn khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Theo các doanh nghiệp này, họ thường gặp rắc rối vì thủ tục kiểm tra chồng chéo, lặp đi lặp lại, thái độ của người thực hiện không đúng mực, thường bị yêu cầu thêm các giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định,…
Toàn cảnh hội nghị Đối thoại doanh nghiệp: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Gặp gỡ đối thoại với VCCI sáng ngày 24/2 tại TP Hồ Chí Minh
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo khảo sát cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại cuộc gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp ngày 24/2.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, song song với việc chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy xuất khẩu cần phải được sớm khơi thông nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Trương Đức Trọng, Ban pháp chế VCCI cho biết, theo đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, kết quả từ một số khảo sát giai đoạn 2020-2022, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, đặc biệt doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm nhìn chung phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn khó khăn hơn các nhóm khác.
Ông Trương Đức Trọng, Ban pháp chế VCCI
cho hay kết quả đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của ngành xuất nhập khẩu.
Khi khảo sát về thực hiện các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cho biết quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu động bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế; vẫn còn tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra bị chồng chéo; doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan.
Về vấn đề quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cho biết trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà; thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các Bộ ngành mới giải quyết xong việc.
Ý kiến đóng góp giúp tháo gỡ khó khăn hiện nay
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mong muốn có thể giảm chi phí tuân thủ hành chính của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hiện nay đang gánh rất lớn chi phí này, chưa kể là những chi phí hải quan.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).
Đồng thời, giảm bớt việc kiểm tra chuyên ngành và đề xuất đầu mối cuối cùng của việc chấp thuận thông quan là cơ quan hải quan. Bởi hiện nay việc kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều bộ, cơ quan liên quan làm doanh nghiệp rất vất vả, ông Hiệp đề xuất.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai cũng cho biết, ngoài việc đối mặt với các khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua, nguồn vốn bị tắc nghẽn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính khi kiểm tra chuyên ngành. ”Ví dụ như doanh nghiệp xây dựng trong hiệp hội chúng tôi, ngoài việc có giấy chứng nhận khi kiểm tra chuyên ngành, hiện nay còn phải xin giấy xác nhận chất lượng sản phẩm từ sở ngành. Việc phải có thêm chứng nhận từ bên thứ 3 thế này rất mất thời gian cho doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
Một trong những nội dung khác được quan tâm đến trong hội nghị là mong muốn đơn giản thủ tục cấp C/O. Việc cấp C/O chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hiện tại vẫn còn tốn nhiều thời gian và phức tạp về hồ sơ, chứng từ khi các doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị. Thậm chí một số doanh nghiệp trong ngành chế biến xuất khẩu điều còn bị cơ quan Hải quan xử phạt về việc làm C/O không đúng với quy định nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, về bản chất C/O không phải là chứng từ bắt buộc trong bộ hồ sơ xuất khẩu, chỉ có một số khách hàng có yêu cầu, doanh nghiệp mới tiến hành thủ tục xin cấp để đầy đủ bộ chứng từ đáp ứng tiêu chuẩn giao hàng cho khách.
Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, VCCI có những đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về lãi suất, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để các doanh nghiệp chế biến, sản xuất xuất khẩu có thể giảm thiểu được chi phí sản xuất, chủ động trong dòng tiền, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh với các nhà xuất khẩu khác trên toàn thế giới.
Như vậy sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các khách hàng với giá cạnh tranh, ổn định sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia./.
Tổng hợp.