[vccitranslate]

Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 tọa đàm với các Hiệp hội Doanh nghiệp phía Nam

Ngày 25/9, tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức buổi tọa đàm giữa trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 với các hiệp hội và doanh nghiệp phía Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi chủ trì tọa đàm

Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành; các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020 – 2023; trên 50 doanh nghiệp và đại diện của hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp tại phía Nam: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Du lịch TP.HCM; Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT); Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO); Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Doanh nhiệp tỉnh Tiền Giang, Hiệp hội Cơ khí điện TP.HCM, Hội Da giày Túi xách TP.HCM, Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch TP.HCM, các Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch các tỉnh và các doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga khẳng định, ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột của Ngoại giao Việt Nam và được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, các CQĐD tích cực trong việc giới thiệu các cơ hội, đối tác, khai thác các thị trường tiềm năng, cũng như phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi giới thiệu các địa bàn mà các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 công tác. Thứ trưởng mong muốn, thông qua buổi tọa đàm hôm nay, các Trưởng các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài sẽ nắm bắt được nhu cầu của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh thành phía Nam – khu vực hết sức năng động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, để trong quá trình công tác có thế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các tỉnh, thành phía Nam (gồm 6 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long) là khu vực có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu tàu về tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội. Những năm gần đây các, tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ có thế mạnh về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm GDP và trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến thủy hải sản, lúa gạo, chiếm khoảng 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản và 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại tọa đàm

Từ những tiềm năng, thế mạnh trên, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các hiệp hội, doanh nghiệp đưa hàng hóa, sản phẩm tiêu thụ ở nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện các hoạt động kết nối, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm đối tác; xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đã ghi nhận những đóng góp và vai trò quan trọng của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, góp phần giúp DN nắm bắt rõ hơn về các thị trường xuất khẩu cũng như hỗ trợ về pháp lý cho các DN khi có các sự việc phát sinh.

Thời gian tới, để tận dụng được các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các hiệp hội, DN kiến nghị, cơ quan ngoại giao phối hợp hỗ trợ DN xây dựng những trung tâm, giống như trung tâm tích hợp tại các thị trường lớn trọng điểm như Mỹ, EU hay Trung Quốc nhằm giúp DN Việt Nam giới thiệu các mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu thị trường cũng như hợp tác với DN nước sở tại nhằm tận dụng được các lợi thế từ hiệp định thương mại.

Đại diện các hiệp hội phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ giới thiệu những cơ hội tìm hiểu, tiếp cận những thị trường mới, đặc biệt những thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối, từng bước chuyển dịch sang các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Bộ Ngoại giao đẩy mạnh phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương thường xuyên tổ chức các Ngày Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

“Các doanh nghiệp rất cần các cơ quan đại diện hỗ trợ về thông tin, dự báo thị trường, việc ban hành các luật mới liên quan đến xuất nhập khẩu như: quy định về an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, môi trường… áp dụng lên các mặt hàng nhập khẩu; hay các khuyến nghị trước sự thay đổi về thể chế chính trị, những quy định chung về lao động, môi trường… nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng yêu cầu chung của từng quốc gia…” – ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam (LEFASO) đề nghị các CQĐD Việt Nam và Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị phần để tận dụng lợi thế của 13 FTA đã có hiệu lực; hình thành các trung tâm thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản để có thể bán hàng trực tiếp, không qua trung gian; hỗ trợ triển khai kế hoạch đầu tư ra nước ngoại tại một số thị trường lớn và thị trường tiềm năng.

Đại diện Câu lạc bộ xuất khẩu TP.HCM, ông Trần Việt Anh xác định tiềm năng xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ yếu là các sản phẩm thuần Việt, sản phẩm công nghệ cao và lao động giá rẻ… vì thế rất cần sự quan tâm chia sẻ kịp thời từ phía các cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao nhằm tạo lợi thế cho doanh nghiệp ở những thị trường có sự cạnh tranh gay gắt.

Đại diện ngành Du lịch, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch TP.HCM Lại Minh Duy đề xuất Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cải tiến website để tăng cường thông tin, quảng bá, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa, lễ hội, ẩm thực, hội nghị chuyên đề, chuyên sâu… nhằm thúc phát triển thị trường, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Đại diện Thường trực tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, khi muốn tìm hiểu thị trường hay có các vấn đề phát sinh, vướng mắc, “DN nên đặt hàng cụ thể, giao việc cho các sứ quán”. Các DN phải có thông tin cụ thể, chi tiết từng vấn đề để đại diện đại sứ quán Việt Nam tại các nước có thể hỗ trợ, phản ảnh kịp thời với các cơ quan, đơn vị nước sở tại.

Chia sẻ với các DN xuất khẩu, ông Nguyễn Trung Kiên, Đại sứ Việt Nam tại Áo cho rằng, lâu nay DN Việt chỉ xuất khẩu thô là chủ yếu mà chưa chú trọng đến khai thác thị trường halal.

Theo ông Kiên, thị trường halal một năm doanh thu giá trị khoảng 2.200 tỷ USD, trong đó 1.400 tỷ USD là thực phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm của DN Việt Nam lại phải xuất sang nước khác, hợp chuẩn rồi xuất sang thị trường halal. Do đó, DN Việt Nam không được hưởng lợi nhiều.

Để hỗ trợ các DN, nhất là ngành lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm tăng cường vào thị trường halal, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan, xây dựng trung tâm cấp phép halal tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp khu vực phía Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cạnh tranh quyết liệt trên trường quốc tế. Đồng thời, mong các doanh nghiệp thường xuyên kết nối với các Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài, nhất là các cơ quan đại diện tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Trung Đông…

Theo Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột của ngoại giao Việt Nam, được triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, các Cơ quan đại diện tích cực trong việc giới thiệu các cơ hội, đối tác, khai thác các thị trường tiềm năng; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.

Ghi nhận đề xuất của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cam kết, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) sẽ tăng cường kết nối giữa các hiệp hội, doanh nghiệp với các đối tác trên thế giới. Thú trưởng đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự cùng các đơn vị liên quan quan tâm những các ý kiến, kiến nghị của hiệp hội và doanh nghiệp; có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với các đề xuất và quan tâm kết nối ngay khi gặp những đối tác, những cơ hội phù hợp…

Nguồn: Báo Chính phủ, Báo Quốc tế, Kinh tế Đô thị, TTXVN

Hình ảnh: Báo Quốc tế

 

  • Sự kiện
  • Đào tạo