Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam: “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”
- 10/12/2019
Doanh nghiệp dẫn dắt trong giáo dục nghề nghiệp thông qua mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề và các kiến nghị từ chương trình nghị sự của ASEAN về giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” vào ngày 16/11/2019 tại Hà Nội với mong muốn giáo dục nghề nghiệp Việt Nam có khát vọng hơn nữa để vươn lên sánh ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải bảo đảm 3 nguyên tắc để giáo dục nghề nghiệp phát triển. Trước hết, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thứ hai, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ ba, nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.
Mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề với mục đích gắn kết nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước là một trong những mô hình có tính khả thi và đáp ứng được các yêu cầu mà Thủ tướng đã đề ra. Nắm bắt được xu hướng này, Chi nhánh Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp cùng Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã triển khai thí điểm mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề Ngành Logistics. Hội đồng tư vấn đã hoạt động được gần hai năm và thu được những kết quả khả quan nhất định. Các tiêu chuẩn nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề đã được xây dựng và ứng dụng vào thực tiễn tại doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự, đánh giá hiệu quả công việc và được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng như một “đơn đặt hàng” cho quá trình đào tạo sinh viên của mình. Cơ quan quản lý Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp đã cùng ngồi lại với nhau vì một mục tiêu chung là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Từ mô hình thí điểm này, VCCI-HCM mong muốn được nhân rộng thêm cho các ngành nghề khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế đang phát triển của đất nước.
Các thành viên Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề Ngành Logistics tham dự và chia sẻ tại Hội thảo: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam (Một trong những hoạt động bên lề của Diễn đàn Quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”)
Bên cạnh đó trong năm 2019, đại diện Chi nhánh Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, Bà Bùi Thị Ninh – Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động đã tham gia nhóm công tác khu vực ASEAN về tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề. Nhóm công tác bao gồm 20 chuyên gia từ 10 nước ASEAN được chọn mời để cùng xây dựng chương trình nghị sự ASEAN về tương lai giáo dục nghề nghiệp. Kết quả của hoạt động xây dựng chương trình này là 45 kiến nghị cụ thể cho 9 nhóm vấn đề chính đã được đưa ra giới thiệu và thảo luận tại Hội nghị đối thoại chính sách về Giáo dục nghề nghiệp khu vực ASEAN lần thứ 9 tại Bangkok vào tháng 6/2019. Nội dung các kiến nghị này cũng đã được Bà Bùi Thị Ninh chia sẻ tại Hội thảo: Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp – Một trong những hoạt động bên lề của Diễn đàn quốc gia và thu được sự thu hút của các đại biểu tham dự.
Nội dung của các kiến nghị chủ yếu tập trung vào các vấn đề về nâng cao sự phù hợp và chất lượng của các quy định và chiến lược GDNN; Xây dựng các mô hình công-tư để phát triển và đanh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề; Tăng cường vai trò của các Tổ chức đại diện doanh nghiệp trong GDNN; Xây dựng lại thương hiệu GDNN; Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong GDNN; Đảm bảo đủ kinh phí có GDNN; Nâng cao chất lượng đào tạo; Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp; Tăng cường nghiên cứu về GDNN và nhu cầu kỹ năng tương lai. (Chi tiết được đính kèm theo file bên dưới.)