Đài Loan đi tìm giỏ bỏ trứng
- 02/05/2017
Đa dạng danh mục đầu tư, hướng ra nhiều thị trường trong khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển là những gì lãnh thổ Đài Loan đang thực hiện thông qua chính sách hướng Nam mới (The New Southbound Policy).
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Đài Loan đã mời một số nhà báo đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand và Việt Nam đi thăm thành phố Đài Bắc và Hualien để giới thiệu rõ hơn về chính sách này. Tại buổi gặp gỡ báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Chui-cheng Chiu cho biết Đài Loan không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ.
Hướng về phía Nam
Với chính sách hướng Nam mới, lãnh thổ có khoảng 23,5 triệu dân này kỳ vọng sẽ xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới và định vị lại tầm quan trọng của mình trong sự phát triển ở châu Á. Cụ thể, Đài Loan muốn hướng đến 18 nước, trong đó có 10 quốc gia thành viên ASEAN, sáu quốc gia ở Nam Á và hai quốc gia xa hơn là Úc và New Zealand.
Hợp tác kinh tế là một trong bốn trụ cột trong chính sách hướng Nam mới của hòn đảo này, trong đó nhấn mạnh đến sự hợp tác về chuỗi cung ứng, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm và đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng với doanh nghiệp các nước khác. Đài Loan cho rằng, với kinh nghiệm của mình, họ có thể hợp tác, xuất khẩu nhiều loại hình dịch vụ, từ kỹ thuật xây dựng hạ tầng đến lĩnh vực giáo dục và chăm sóc y tế trên nền tảng mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things).
Để tạo cầu nối cho các doanh nghiệp, Đài Loan cho lập các phòng cung cấp thông tin dưới tên gọi là “Taiwan Desk” tại các quốc gia mà lãnh thổ này nhắm đến. Tại Việt Nam, “Taiwan Desk” đã được lập tại TPHCM cách đây độ hai tuần. Tại đây, nhà đầu tư Đài Loan sẽ được tư vấn, cung cấp thông tin về những chính sách, những quy định không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các nước khác như Thái Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia và Ấn Độ.
Tính đến cuối năm 2015, Đài Loan đầu tư ra nước ngoài khoảng 336 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 18 trên thế giới và xếp thứ năm ở châu Á, chỉ sau Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore, theo số liệu của Hội đồng Phát triển Đài Loan. Điều đáng chú ý là, trong tổng số vốn mà lãnh thổ này đầu tư ra nước ngoài, có đến xấp xỉ 155 tỉ đô la Mỹ chảy vào Trung Quốc đại lục. Phần còn lại được phân bổ ở các nước khác, trong đó khu vực ASEAN khoảng 87 tỉ đô la Mỹ với Thái Lan và Việt Nam là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Đài Loan đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư FDI nhiều nhất. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), tính đến ngày 20-4-2017, cả nước có 23.272 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 302,64 tỉ đô la Mỹ. Đến thời điểm này đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, thứ ba là Singapore và Đài Loan, theo sau là British Virgin Island và Hong Kong.
Lĩnh vực được các nhà đầu tư Đài Loan quan tâm nhiều là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam), kế đến là lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi và một số dịch vụ khác. Về hình thức đầu tư, có tới 99% tổng vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam là hình thức 100% vốn nước ngoài, chỉ một số ít dự án chọn hình thức liên doanh.
Khi được hỏi về xu hướng đầu tư sắp tới, ông Jeffrey C. Kau, Thư ký Phòng đàm phán thương mại Đài Loan, cho biết hiện nay công tác xúc tiến đầu tư đang được đẩy mạnh tại từng quốc gia mà lãnh thổ này nhắm đến. Tại Việt Nam, ông hy vọng những khó khăn hiện nay sẽ tìm được hướng giải quyết và công tác đầu tư sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư ra nước ngoài, Đài Loan đang có kế hoạch đầu tư mạnh vào lĩnh vực hạ tầng trên hòn đảo này. Bà Cheryl H.J. Tseng, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Đài Loan, cho biết trong chiến lược phát triển dài hạn, Đài Loan đang cân nhắc khoản đầu tư lên đến 1.000 tỉ đô la Đài Loan (TND), khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, để phát triển hạ tầng như một bước đi trước dọn đường cho các lĩnh vực ở nhiều khu vực khác cùng phát triển thay vì chỉ tập trung vào thành phố Đài Bắc.
Làm mới hình ảnh
Bên cạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực, Đài Loan đang tập trung khá nhiều vào lĩnh vực văn hóa và du lịch, đang cố gắng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này. Nói như bà Bi-khim Hsiao ở Văn phòng lập pháp quận Hualien, thành phố Hualien, lâu nay nhiều người biết đến Đài Loan chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp với những sản phẩm công nghệ cao. “Nay chúng tôi muốn giới thiệu nhiều hơn về văn hóa, về du lịch với những danh lam thắng cảnh thiên nhiên”, bà Bi-khim Hsiao nói.
Để thu hút du khách đến hòn đảo này, trong chính sách hướng Nam mới, Đài Loan miễn visa có thời hạn cho công dân một số nước như Thái Lan, Brunei và Philippines, đồng thời nới lỏng điều kiện xét visa cho du khách đến từ Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Mặc dù chưa miễn visa cho du khách Việt Nam, nhưng ông Chui-cheng Chiu cho biết điều kiện xét duyệt đã thoáng hơn rất nhiều so với trước đây.
Chính sách visa thông thoáng đang kích thích lĩnh vực du lịch của lãnh thổ này. Bà Bi-khim Hsiao cho biết, năm ngoái Đài Loan đón khoảng 10 triệu du khách quốc tế, trong đó du khách Trung Quốc chiếm phân nửa. Mặc dù du khách Trung Quốc nhiều như vậy, nhưng xem ra những người làm du lịch Đài Loan chưa an tâm nên vẫn phải đi tìm nguồn khách ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Có lẽ họ sợ một ngày nào đó, những căng thẳng chính trị có thể khiến Trung Quốc cấm công dân của mình đi du lịch Đài Loan như họ đã từng làm với Hàn Quốc.
Với chiến lược phát triển du lịch, Đài Loan chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ở một góc độ nào đó, miễn visa là điều kiện cần nhưng xem ra chưa đủ, Đài Loan còn nhiều việc phải làm, sẽ phải tổ chức xúc tiến du lịch nhiều hơn. Nhắm vào du khách Việt Nam, các nước như Hàn Quốc, Thái Lan… đều đã mở văn phòng quảng bá du lịch ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM với các tour tuyến được giới thiệu liên tục thông qua các công ty du lịch. Đây là điều dường như ngành du lịch Đài Loan đang còn thiếu.
Theo Thesaigontimes.vn