Bài 3: Mặt bằng kinh doanh của Việt Nam đang tiến gần các nước
- 20/11/2017
“Tại sao lựa chọn điểm đến đầu tư là Việt Nam? Trước những thách thức của toàn cầu hóa, đây là thời điểm mỗi quốc gia, mỗi khu vực phải tự phát triển cho chính mình. Chính phủ luôn coi doanh nghiệp là động lực tăng trưởng, là nguyên lý cơ bản để phát triển. Đây là nền tảng để các nhà đầu tư quan tâm về một thị trường năng động với hơn 90 triệu dân, đến Việt Nam để hợp tác đầu tư.”
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI, Công ty tư vấn hàng đầu về dẫn vốn quốc tế trên thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng về triển vọng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
– Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Động lực tăng trưởng mới của Việt Nam chính là nhận thức mới của Chính phủ, Nhà nước không huy động phân bổ nguồn lực, Nhà nước sẽ định hướng nguồn lực qua chính sách. Điều chính là cơ hội cho nhà đầu tư, cơ hội cho thị trường chứng khoán phát triển.
Các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cánh đây 5 năm đã được Chính phủ chấp nhận. Các doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ bán vốn hạn chế, dưới 35% thì nay đã sẵn sàng cổ phần hóa, có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu thậm chí tăng trên 51%.
Khi tất cả các quy định chính sách mới của Chính phủ đi vào cuộc sống, thanh khoản trên thị trường chứng khoán ngay lập tức được cải thiện,. Trong thời gian ngắn, nền kinh tế đã có sự thay đổi, khác biệt rất lớn.
Đối với cá nhân tôi, việc Việt Nam đàm phán TPP không quan trọng kết quả, mà là tất cả các điều kiện đàm phán của Việt Nam đã được các nước chấp thuận. Điều này có nghĩa Việt Nam đang chấp nhận luật pháp, chính sách của các nước đồng thời cũng thay đổi để đối tác chấp nhận mình.
Như vậy, mặt bằng kinh doanh của Việt Nam với các nước đang rất gần nhau, đây là yếu tố then chốt để mời gọi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam.
– Ông cho biết, giai đoạn tăng trưởng mới của thị trường vốn lần này có gì khác so với thời điểm thị trường “bùng nổ” năm 2007?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Công ty Chứng khoán Sài Gòn đã đồng hành với thị trường chứng khoán Việt Nam từ ngày ra đời và phát triển.
Thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO cách đây hơn 10 năm, “câu chuyện Việt Nam” trở nên hấp dẫn với tất các nhà đầu tư trên thế giới. Tôi nhớ ngày đó, chúng tôi sang Nhật Bản tổ chức hội thảo, có tới 300 đại diện các quỹ, các nhà đầu tư đến nghe chúng tôi trình bày về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thậm chí khi đi taxi, khi thấy cô nhân viên của tôi cầm tập tài liệu, người lái cũng hỏi, “chứng khoán Việt Nam à? Thị trường Việt Nam có phải là cơ hội kiếm tiền nhiều lắm, phải không?”
Tuy nhiên, khi một lượng tiền rất lớn đã được đổ vào Việt Nan khiến giá cổ phiếu trên thị trường khoán và giá bất động sản lên hàng ngày, một nền kinh tế đầu cơ bắt đầu được hình thành, kèm theo là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, theo chúng tôi là không bền vững.
Huy động vốn quá dễ, trong khi doanh nghiệp không kịp cải tổ để đưa bộ máy của mình lớn lên, hạ tầng kinh doanh không đủ để tiếp thu các nguồn vốn, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Đến gia đoạn này bối cảnh khác hẳn, với chủ trương mới của Chính phủ, các nhà đầu tư lại một lần nữa quan tâm đến Việt Nam. Bởi, họ hiểu một nền kinh tế chủ động huy động nguồn lực, hiệu quả của đầu tư sẽ gia tăng rất cao.
Minh chứng gần đây nhất là hai thương vụ gọi vốn rất thành công là IPO của Vincom Retail và thoái vốn Vinamik, đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài rất cao.
Khi dòng vốn lớn hướng vào thị trường, có nghĩa là nhà đầu tư đang rất quan tâm và đặt kỳ vọng vào thị trường chứng vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Theo ông, hoạt động thoái vốn cần phải thực hiện những điểm mấu chốt gì để có thể thành công?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Các nhà đầu tư cũng có những bài học từ giai đoạn trước. Hiện, các đối tác ngoại quan tâm nhất đến những doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững cũng như những cơ hội chiếm lĩnh thị trường, mà đặc biệt là các doanh nghiệp nhắm vào thị trường nội địa 90 triệu dân.
Chuẩn bị cho thoái vốn thành công là câu chuyện của sự minh bạch. Doanh nghiệp cần công bố thông tin về mình một cách đầy đủ, đến với tất cả các nhà đầu tư một cách bình đẳng nhất.
Theo tôi chọn đối tác chiến lược không quá quan trọng, Nhà nước chỉ hoạch định một chính sách chung, còn khi đấu giá không có sự ưu tiên cho đối tác này hay đối tác khác mà hãy để thị trường quyết định.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cổ phần hóa nên tìm những nhà tư vấn phù hợp. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có quan niệm sợ trả phí tư vấn, nhưng đây là cách thức chi tiêu thông minh và hiệu quả. Bởi, các nhà tư vấn sẽ chọn ra những nhà đầu tư phù hợp nhất và sẵn sàng trả giá cao nhất cho doanh nghiệp.
– Sau sự kiện APEC thành công, dòng vốn ngoại vào Việt Nam có thuận lợi hơn không thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Nguyên tắc dòng chảy của nguồn vốn không chỉ dựa vào một sự kiện nào đó. Dòng vốn đi vào thị trường khi có một chiến lược minh bạch, rõ ràng được Chính phủ phát ra và quá trình thực hiện sau đó của những chính sách này.
Tuy nhiên, APEC là nơi quảng bá rất tốt cho các chiến lược đó. Tất cả những gì Việt Nam đang làm và muốn làm sẽ được truyền tải đầy đủ trên các phương diện. Những thông điệp muốn truyền tải sẽ đến được đúng người, đúng đối tượng.
APEC là một trong những sự kiện rất tốt để “câu chuyện Việt Nam” đi ra với quốc tế, để những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam có thể nắm bắt và tìm kiếm những cơ hội đầu tư tại đây.
Mặc dù trên thị trường đang có rất nhiều ý kiến về chất lượng tăng trưởng GDP, song đối với tôi chất lượng tăng trưởng có hai loại, một là tăng trưởng đến từ doanh nghiệp sản xuất, hai là tăng trưởng do đầu cơ tài sản.
Rõ ràng tại thời điểm này, cơ cấu tăng trưởng đang chuyển sang sản xuất, đây là điều rất là đáng mừng, bởi đó là “khẩu vị” mà nhà đầu tư hướng tới.
Theo Vietnamplus.vn