Áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp còn băn khoăn
- 09/09/2017
Theo dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính soạn thảo, từ đầu năm 2018 sẽ sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. Tuy nhiên, tại “Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 8/9 tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp (DN) bày tỏ nhiều lo ngại.
Toàn cảnh buổi hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ ngày 8/9.
Doanh nghiệp lo ngại
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Vụ chính sách Thuế, Tổng cục Thuế Nhà nước cho biết, với xu hướng hóa đơn điện tử ngày càng mở rộng trên thế giới, giao dịch trong nền kinh tế ngày càng nhiều, cơ quan thuế muốn mở rộng đối tượng sử dụng loại hóa đơn này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Vụ chính sách Thuế, Tổng cục Thuế Nhà nước phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Kế toán Đồng Nai cho rằng, việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ năm 2018 chỉ với mục đích yêu cầu truyền báo cáo hóa đơn cho cơ quan thuế như mong muốn kể trên sẽ gây lãng phí rất lớn. Bởi khi đó, doanh nghiệp phải tự đầu tư xây dựng giải pháp trong thời gian ngắn khoảng vài tháng. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, cần có lộ trình chuyển đổi ít nhất là 12 tháng để chuẩn bị và thích nghi, không xử phạt khi sử dụng song song hóa đơn giấy, nhất là với những doanh nghiệp có hàng trăm nhà cung cấp.
Đại diện Công ty Nestle Việt Nam cho rằng, đến thời điểm này, cơ quan thuế vẫn đang lấy ý kiến về dự thảo và còn cho biết là đến tháng 10 tới, có thể có một dự thảo nữa. Trong khi đó, ngày 1-1-2018, quy định mới sẽ được áp dụng, vậy thì thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị là quá ngắn.
Bà Phan Thị Linh Thái, phụ trách công nghệ thông tin của Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, công ty này đã muốn sử dụng hóa đơn điện tử nhiều năm qua vì thấy được những lợi ích của nó. Tuy nhiên, vẫn chưa thể áp dụng do chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ hàng loạt vướng mắc.
Bà Thái chỉ ra việc khó có thể áp dụng hóa đơn điện tử với tất cả mọi khách hàng khi trình độ, khu vực, hạ tầng công nghệ thông tin khác nhau, trong khi cơ quan thuế không cho sử dụng hóa đơn giấy song song. Hay như trong trường hợp bị sự cố đường truyền, hệ thống ngưng trệ thì không thể có chuyện ngưng kinh doanh chờ khắc phục.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bày tỏ sự hồ nghi về mục tiêu to lớn lần này của cơ quan thuế khi bắt buộc các doanh nghiệp chuyển đổi sang hóa đơn điện tử từ đầu năm sau. Bà lo ngại về tính đồng bộ, cơ sở hạ tầng… nhất là trong một khoảng thời gian chuẩn bị ngắn như thế này.
“Mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng. Đề nghị cơ quan thuế không bắt buộc trong lúc này. Nên để doanh nghiệp trong một hai năm tự phân tích, tự sắp xếp và quan sát. Nếu thấy lợi ích thì họ sẽ đăng ký chuyển đổi, thấy tiết kiệm thì người ta sẽ làm. Đợi thêm vài năm nữa thì hãy bắt buộc. Còn bắt buộc mà chưa chu đáo thì không biết sẽ dẫn đến chuyện gì”, bà nói.
Bà băn khoăn là dự thảo còn đang trình mà cơ quan thuế muốn bắt buộc từ đầu năm sau thì không biết sao.
Đại diện Tổng công ty Liksin cho rằng, dường như cơ quan chức năng đã hiểu sai về khái niệm hóa đơn điện tử. Với việc các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi mọi dữ liệu kinh doanh lên hệ thống thì như vậy đã là điện tử và hóa đơn cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống này. Thực tiễn kinh doanh cũng có muôn hình vạn trạng. Vì vậy, theo vị này, Bộ Tài chính chỉ nên khuyến khích, nói những gì có lợi còn để tự doanh nghiệp lựa chọn và quyết định.
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh, kế toán của Ngân hàng Phương Đông, doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2016 chia sẻ, lợi ích mà loại hóa đơn này mang lại rất lớn, nhất là trong đặc thù kinh doanh là phải xuất rất nhiều hóa đơn mỗi ngày khi làm dịch vụ như ngân hàng. Tuy nhiên, điều bà Minh băn khoăn là cơ quan thuế đề xuất mức phí 300 đồng/hóa đơn khi xác thực. “Nếu như vậy, chúng tôi sẽ mất 300 triệu đồng. Như vậy là không phù hợp với mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp khi chuyển đổi. Chúng tôi kiến nghị không thu khoản phí này”, bà Minh nói và cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp được chủ động trong việc lựa chọn loại hóa đơn.
Đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến trong hội thảo.
Ngành thuế mong doanh nghiệp đồng lòng
Bà Hà cho rằng, về lộ trình áp dụng, hiện tại đã có những điều kiện nhất định như hầu hết doanh nghiệp đã khai thuế qua mạng, đã có chữ ký số. Các nhà cung cấp phần mềm cũng đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại chỉ là xây dựng được chuẩn dữ liệu hóa đơn để áp dụng trên toàn quốc trong việc kết nối, truyền nhận giữa các bên liên quan (doanh nghiệp với khách hàng; doanh nghiệp với cơ quan thuế).
Và để phù hợp với tình hình thực tế, cơ quan thuế đã sắp xếp lộ trình cho từng đối tượng doanh nghiệp trên cơ sở, nguyên tắc là hỗ trợ hết sức, tránh gây lãng phí và tận dụng những gì sẵn có. “Cơ quan thuế sẽ chung vai, sát cánh nên doanh nghiệp cứ yên tâm”, bà Hà trấn an.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế chia sẻ, những lợi ích của hóa đơn điện tử là rất rõ ràng và cơ quan chức năng sau những trải nghiệm trong các đợt triển khai khai thuế qua mạng… đủ tự tin để làm công tác này.
Điều ông lo ngại là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi, nhất là những doanh nghiệp đã áp dụng hoàn toàn điện tử từ bên trong khi đã có hệ thống thông tin nội bộ chặt chẽ, khép kín… Doanh nghiệp sẽ phải chỉnh sửa phần mềm, quy trình nội bộ để ứng xử với hóa đơn điện tử…
Từng loại doanh nghiệp đang sử dụng các loại hóa đơn sẽ có mức độ chuyển đổi khó khăn khác nhau. Doanh nghiệp đang mua hóa đơn sẽ rất đơn giản. Những doanh nghiệp đặt in thì khó khăn hơn vì đang có lượng hóa đơn lớn, sẽ phải tính toán xử lý hóa đơn dư thừa khi chuyển đổi. Doanh nghiệp tự in có phần mềm, nhất là công ty nước ngoài lại càng không đơn giản vì liên quan đến hệ thống, phần mềm, chạy thử…
Tuy nhiên, mục tiêu của cơ quan quản lý là giảm thiểu thủ tục, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Do vậy, để có thể đạt được mục tiêu này, các bên cần cùng chung sức, đồng lòng.
Dự thảo nghị định về hóa đơn cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm thay thế cho Nghị định 51 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến sau khi đã có công văn trình hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định lên Chính phủ. Theo đại diện Tổng cục Thuế, có thể một số nội dung trong dự thảo hiện tại sẽ được thay đổi tiếp vì cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tìm phương án tháo gỡ những vướng mắc hiện có.
Đề xuất của ngành thuế trong dự thảo nghị định là doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử (doanh nghiệp tự thiết kế, có phần mềm, hiện tại khoảng hơn 830 đơn vị trên cả nước) vẫn tiếp tục như lâu nay. Điểm mới là phải định kỳ gửi dữ liệu đến cơ quan thuế cùng với việc lập, gửi tờ khai thuế GTGT như hiện hành. Việc này được đề xuất là áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Với các doanh nghiệp có rủi ro cao, lâu nay đang mua hóa đơn từ cơ quan thuế thì cũng từ 1/1/2018 sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Các doanh nghiệp lâu nay tự in hóa đơn giấy thì sẽ có thêm 6 tháng để chuyển đổi sang hóa đơn điện tử so với các đối tượng doanh nghiệp kể trên, tức từ 1-7-2018.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, tổ chức đã đặt in với số lượng lớn thì cơ quan thuế đồng ý cho tiếp tục sử dụng trong năm 2018 và và sẽ giảm phát để chuyển đổi dần sang sử dụng hóa đơn có mã của cq thuế.. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi sớm hơn vẫn được hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số trường hợp sử dụng hóa đơn giấy như vé vào các khu vui chơi, dịch vụ….
Tổng hợp từ Thesaigontimes.vn, Baomoi.com và Vietnamnet.vn.