[vccitranslate]

10 HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA VCCI-HCM NĂM 2019

  1. Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp được Bộ Tài chính phối hợp với VCCI tổ chức hàng năm nhằm tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp, cũng như thông tin – tuyên truyền các quy định về thuế và hải quan đã và sắp ban hành, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị năm nay được tổ chức vào ngày 28/11/2019 và tập trung vào 2 nội dung chính: (1) Thông tin tổng hợp về các thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và (2) Đối thoại giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp.

Hội nghị đã thu hút hơn 500 Doanh nghiệp khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận đến tham dự. Hội nghị năm nay đã thành công tốt đẹp và đáp ứng cơ bản những nhu cầu, vướng mắc của Doanh nghiệp.

  1. Chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012”

Trong năm vừa qua, một trong những hoạt động quan trọng liên quan đến việc tác động chính sách và xây dựng pháp luật của VCCI-HCM là hoạt động thu thập, tổng hợp và đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc VCCI-HCM đã chủ động tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề, họp nhóm chuyên gia, các cấp quản lý tại các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để lắng nghe thu thập ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Bộ luật lao động 2012.

Hoạt động đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi được thực hiện đúng trọng tâm và thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp tham gia góp ý. Từ cơ sở này, đã củng cố quan điểm của VCCI về một số điều khoản trong dự thảo Bộ luật Lao động mới có giá trị thực tiễn và nhận được sự nhất trí cao của các bên liên quan.

 Kết quả, các nội dung của Bộ luật Lao động được Quốc Hội khóa 14 thông qua ngày 20/11/2019, đã ghi nhận và luật hoá các nội dung do cộng đồng doanh nghiệp đóng góp.

  1. Diễn đàn Mekong – Lan Thương

Ngày 7/11, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Bộ Thương mại Thái Lan và Viện Mekong tổ chức Diễn đàn Thương mại Mekong – Lan Thương 2019, với chủ đề “Tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua đổi mới trong ngành thực phẩm chế biến”.

Đây là lần thứ hai Diễn đàn thương mại Mekong – Lan Thương được tổ chức, nhằm kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong khu vực và là sự kiện hàng năm, luân phiên tổ chức tại các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng Mekong – Lan Thương trong giai đoạn 2018-2022.

Tại diễn đàn này, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư giữa các nước trong khu vực. Đặc biệt, điểm nhấn của diễn đàn là phiên kết nối hợp tác đầu tư của hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các quốc gia trong khu vực, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, chia sẻ kinh nghiệm trong cải tiến sản xuất và mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận chuỗi cung ứng ngành thực phẩm khu vực và toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

  1. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – C.H Czech

Ngày 21/11, Chi nhánh Phòng Thương mại Việt Nam tại TP. HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Đại sứ quán C.H Czech tại Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Czech-Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Richard Brabec, Bộ trưởng Môi trường C.H Czech.

Diễn đàn có sự tham dự của gần 20 doanh nghiệp Cộng hòa Czech chuyên về các lĩnh vực: xử lý môi trường, giáo dục – đào tạo, hệ thống nông nghiệp, thực phẩm, nghiên cứu biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, có sự quan tâm của hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí và sinh viên, giảng viên, chuyên gia của các trường đại học Việt Nam.

Chuyến thăm lần này của Ngài Bộ trưởng C.H Czech có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, nhất là khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết và dự kiến sẽ sớm được Quốc hội hai bên phê chuẩn trong năm 2020 tới đây.

  1. Hội thảo ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định CPTPP

Hội thảo ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI-HCM) tổ chức đã diễn ra ngày 5/12/2019 tại TP HCM.

Tại hội thảo, theo nhận định của VCCI, mặc dù tỉ lệ xuất khẩu vào các nước CPTPP khá cao nhưng mới tập trung vào một số thị trường truyền thống, đã có Hiệp định Thương mại tự do FTA song phương từ trước như Nhật Bản, Australia… Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường như Canada, Peru, Mexico còn rất khiêm tốn, đó là dư địa lớn cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau khi CPTPP đi vào thực thi.

Các chuyên gia cũng cho rằng CPTPP là hiệp định đặc biệt quan trọng đối với các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và đồ uống  của Việt Nam vì đây là những sản phẩm, lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh và có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu. Do đó, các doanh nghiệp của các ngành này được dự báo sẽ có cơ hội phát triển rất lớn để phát triển sản xuất thông qua việc thực hiện các thay đổi về thể chế, qui tắc nhằm thực thi các cam kết khi CPTPP có hiệu lực, sẵn sàng thu hút nguồn lực đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.

  1. Hội thảo: “Ngành Logistics trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU”

Tác động của EVFTA đối với triển vọng phát triển ngành Logistics được thể hiện ở hai góc độ. Thứ nhất là từ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải. Thứ hai là cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics. Trên đây những nội dung được đề cập tại buổi Hội thảo  “Ngành Logistics trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU” được VCCI-HCM tổ chức  ngày 24/10/2019 tại TP. HCM.

Cũng tại hội thảo, theo các chuyên gia, để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như hạn chế tối thiểu các thách thức từ EVFTA, các DN cần phải hiểu đúng, hiểu rõ các nội dung cam kết của EVFTA để có sự chuẩn bị tiếp cận với thị trường, để hiểu được sân chơi chung. Bên cạnh đó, các DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình về nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng quản lý trong lĩnh vực này để đem đến hiệu quả cao hơn.

  1. Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nuôi trồng thủy sản”

Hội nghị được tổ chức vào ngày 13/11/2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) tổ chức.

Từ tháng 6/2017, VCCI-HCM và NHO cùng các đối tác đã khởi động chương trình “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong ngành nuôi trồng thủy sản” nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục nghề nghiệp thông qua mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã đạt nhiều kết quả thiết thực đáng khích lệ; tiêu điểm là đào tạo được một đội ngũ giảng viên nguồn có chuyên môn đến từ các trường và các doanh nghiệp.

Chương trình hợp tác trong giai đoạn 2020-2024 xây dựng chương trình đào tạo cho công nhân, cán bộ quản lý về nuôi biển công nghiệp, tăng cường công nghệ, nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nghề.  Na Uy là một quốc gia thế mạnh về nghề nuôi biển xa bờ và Việt Nam mong muốn trở thành một trong những nước hàng đầu phát triển ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ.

  1. Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của người lao động, các tổ chức xã hội và các cơ sở đào tạo thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề liên quan tới việc áp dụng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Việc áp dụng các nguyên tắc và thực hành doanh nghiệp có trách nhiệm sẽ giúp thúc đẩy chiến lược hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam, đây là sự kiện được Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 25-26/11/2019 tại TP. HCM

Sự kiện này đã thu hút hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt có sự tham dự đông đảo các doanh nghiệp đến từ khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI-TP HCM, ông Võ Tân Thành, cho biết: “Việc khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước hoạt động kinh doanh theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận về quyền con người, bảo vệ môi trường, sự liêm chính trong kinh doanh và chống tham nhũng là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.”

  1. “Women Will – Sức mạnh phụ nữ thời đại kinh tế số”

Ngày 10/10/2019, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI – HCM) phối hợp cùng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Sức mạnh phụ nữ trong thời đại kinh tế số” tại Trung tâm hội nghị White Palace, TP Hồ Chí Minh.

Buổi hội thảo là một trong những sự kiện thuộc chuỗi chương trình Women Will – một sáng kiến của Google, với sứ mệnh mang đến cho phụ nữ những cơ hội cải thiện kinh tế và phát triển bản thân. Hơn 600 đại biểu đã tham dự hội thảo, bao gồm các nữ doanh nhân, cán bộ quản lý và nhân viên văn phòng của doanh nghiệp, các bạn sinh viên có tinh thần khởi nghiệp đến từ RMIT và các trường đại học khác.

Đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam, chương trình Women Will tiếp tục cung cấp những khóa học miễn phí về kỹ thuật số và kỹ năng mềm, giúp chị em bứt phá khỏi những giới hạn của bản thân để vững bước và phát triển.

  1. Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành chuyên nghiệp – CEO

Trong thời đại Cách mạng 4.0, môi trường kinh doanh liên tục thay đổi và phát triển nhanh chóng, mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, kèm theo đó cũng không ít những khó khăn và thách thức. Điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý luôn cần cập nhật kiến thức đổi mới tư duy kinh doanh, nhất là áp dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất…để xử lý những tình huống, những khó khăn của doanh nghiệp một cách tối ưu. Nắm bắt được vấn đề trên, trong năm 2019, VCCI-HCM đã tổ chức thành công Chương trình đào tạo Giám đốc Điều hành chuyên nghiệp nghiệp (Chief Executive Officer – CEO) dành cho các quản lý cấp trung và cao cấp, giúp họ hoạch định và xây dựng chiến lược quản lý, kinh doanh trong thời đại 4.0, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nói riêng và phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung.

  • Sự kiện
  • Đào tạo